Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Khoáng sản
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn.
Cùng tham gia có các đại biểu Quốc hội: Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, cùng đại diện HĐND tỉnh Nghệ An.
Nhận diện những tồn tại
Làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận sự tích cực, tập trung của địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Khoáng sản; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; đồng thời triển khai nhiều giải pháp, biện pháp quản lý nhà nước, ngày càng tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhiều tồn tại, bất cập khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động, chế biến khoáng sản trên địa bàn cũng được huyện Quỳ Hợp phản ánh.
Nổi lên là dù địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản lớn với 83 mỏ được cấp phép còn hạn, 158 xưởng chế biến khoáng sản, 6 cụm công nghiệp, 6 khu chế biến đá tập trung và nhiều khu vực có khoáng sản chưa được cấp phép cần phải bảo vệ.
Tuy nhiên, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mỏng (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện biên chế 5 người). Mặt khác, không có công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, giám sát...
Vì vậy, đề nghị Trung ương xem xét quy định rõ cơ chế đặc thù cho các địa phương có khoáng sản phải quản lý, như bổ sung thêm nhân lực, cung cấp phương tiện, thiết bị máy móc, kinh phí cần thiết để phục vụ công tác và có chế độ trợ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản. Đồng thời, nghiên cứu giao trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho lực lượng Công an các cấp, còn cơ quan quản lý nhà nước địa phương là đơn vị phối hợp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Huyện Quỳ Hợp đề xuất Quốc hội cũng cần quy định rõ quyền lợi địa phương nơi có khoáng sản được khai thác là cấp huyện và cấp xã. Quy định tỷ lệ phần trăm trong tổng thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản mà địa phương được hưởng; tránh tình trạng đã được quy định trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP nhưng thực hiện không hiệu quả.
Huyện Quỳ Hợp nêu một số góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác; về hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản…
Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các quy định của pháp luật về khoáng sản, tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn ngày càng chặt chẽ hơn.
Chia sẻ trong hoạt động quản lý khoáng sản đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm, đồng thời phối hợp tốt hơn với các cấp, ngành nhằm tạo hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn.
Trên cơ sở khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp và lắng nghe phản ánh, đề xuất của chính quyền huyện Quỳ Hợp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có trách nhiệm tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; đồng thời tham gia cho ý kiến tại các phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Kiến nghị từ doanh nghiệp khai khoáng
Trước khi làm việc với UBND huyện, buổi sáng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tổ chức khảo sát trực tiếp một số điểm khai thác mỏ tại xã Châu Quang và xã Thọ Hợp; đồng thời lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản từ một số doanh nghiệp.
Đáng quan tâm là đề xuất “nới lỏng” cấp phép các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ còn sót lại nằm xen giữa các mỏ đã được cấp phép nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác cho các mỏ xung quanh. Các mỏ đã hết hạn mà doanh nghiệp khác có nhu cầu tận thu hết nguồn khoáng sản, cần có cơ chế cụ thể để tận thu khoáng sản, tránh lãng phí. Cùng đó, nghiên cứu áp dụng phương pháp tính công suất khai thác theo kỳ khai thác kế hoạch 3-5 năm.
Doanh nghiệp cũng góp ý về phân nhóm khoáng sản; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; làm rõ tỷ lệ thu hồi khoáng sản thuộc nhóm II (các vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng), nhưng không cần điều chỉnh giấy phép; bổ sung quy định về chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật khai thác mỏ đối với Giám đốc điều hành khai thác lộ thiên.