bna_-quang-canh-cuoc-lam-viec.-anh-mai-hoa-.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Tham gia chương trình công tác có các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

2 dự án cử tri quan tâm đều chậm tiến độ

Trước khi làm việc với UBND huyện Kỳ Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành khảo sát tiến độ xây dựng Dự án kè sông Nậm Mộ đoạn qua thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) và Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ (Kỳ Sơn).

bna_-doan-dai-bieu(1).jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Kỳ Sơn khảo sát tiến độ xây dựng Dự án kè sông Nậm Mộ đoạn qua thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mai Hoa

Hiện nay, cả 2 dự án này đang đều chậm tiến độ, mặc dù đây là các dự án mang tính cấp bách để phòng tránh nguy cơ sạt lở do thiên tai, lũ quét, ảnh hướng đến tài sản, tính mạng của người dân.

bna_-cac-dai-bieu-quoc-hoi-thuoc-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nghe-an-va-lanh-dao-huyen-ky-son.jpg
Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và lãnh đạo huyện Kỳ Sơn khảo sát, nắm bắt tình hình nhân dân bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Ảnh: Mai Hoa

Quan tâm hỗ trợ ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người

Liên quan đến công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận huyện Kỳ Sơn đã quan tâm triển khai thực hiện luật; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền đến tận 100% thôn, bản và trường học trên địa bàn.

Huyện cũng đã xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Phòng, chống mua bán người” tại bản Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm) và “Tự quản về phòng, chống mua bán người” tại bản Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu).

bna_-tho-.jpg
Đồng chí Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn báo cáo kết quả triển khai việc thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người trên địa bàn huyện. Ảnh: Mai Hoa

Huyện cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng; quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, nhằm phòng ngừa, phát hiện các đối tượng phạm tội, các đối tượng có biểu hiện mua bán người để đấu tranh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật…

Cùng với đó, huyện chỉ đạo lực lượng tăng cường nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng, giải cứu và bảo vệ nạn nhân.

bna_-dai-bieu-tran-nhat-minh.jpg
Đại biểu Trần Nhật Minh trao đổi với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Tính từ năm 2019 đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn huyện phá thành công 30 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người, bắt 55 đối tượng, giải cứu thành công gắn với hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với 36 nạn nhân.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn nhiều khó khăn, do dân số của huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế và trình độ nhận thức về pháp luật, ý thức phòng ngừa tội phạm còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, tội phạm mua bán người với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc nhu cầu cần việc làm, thu nhập của người dân.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã xuất hiện thủ đoạn lừa phỉnh các nạn nhân qua Lào, Campuchia để bán cho các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc (hoặc gốc Trung Quốc), sử dụng người để hoạt động phạm tội lừa đảo trên không gian mạng hoặc đánh bạc trực tuyến, do đó, gây không ít khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh, đấu tranh.

bna_-dong-chi-vi-hoe-.jpg
Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện luật và nghị quyết của Quốc hội tại địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, một số người vừa là nạn nhân, vừa là tội phạm mua bán người, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh, xử lý.

Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã ghi nhận một số kiến nghị của huyện Kỳ Sơn đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người theo hướng tăng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe; đồng thời, quan tâm bố trí nguồn ngân sách cho các cấp, nhất là địa bàn trọng điểm mua bán người để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng, chống mua bán người hiệu quả, cũng như hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, quan tâm đầu tư các dự án phát triển kinh tế, mô hình sinh kế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Chú trọng đấu tranh địa bàn trọng điểm

Kết luận tại cuộc làm việc, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận những nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, triển khai Luật Phòng, chống mua bán người và liên quan đến nghị quyết của Quốc hội, cũng như giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn.

bna_-dong-chi-.jpg
Đồng chí Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Chia sẻ với huyện Kỳ Sơn là địa bàn trọng điểm, có nhiều yếu tố tiềm ẩn phức tạp về hoạt động mua bán người, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: Cái khó của địa phương là nhận thức pháp luật của người dân hạn chế, bởi vậy, đề nghị huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, gắn với phối hợp các lực lượng đấu tranh, điều tra xác minh và xử lý tội phạm mua bán người; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quan tâm giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ các nạn nhân ổn định cuộc sống.

Liên quan đến các dự án thuộc công trình cấp bách, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh để đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và làm báo cáo tác động môi trường để Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ sớm triển khai, đảm bảo ổn định cuộc sống và an toàn cho người dân. Cùng đó, tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án kè sông Nậm Mộ đoạn qua thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn).