Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phan Hậu
Các dự án luật được lấy ý kiến gồm: dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các vị đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và các chuyên gia, cộng tác viên xây dựng pháp luật.
Đa số đại biểu dự họp cho rằng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 Chương, 46 Điều, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 đã phổ quát, đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã mở rộng thêm đối tượng cấp chứng nhận căn cước, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia, thẻ căn cước, căn cước điện tử…
Đại tá Lê Văn Thái - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phan Hậu
Đại tá Lê Văn Thái - Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị làm rõ thêm một số khái niệm quy định trong dự thảo luật; quy định cụ thể về chủ thể quản lý căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; quy định cụ thể biện pháp xử lý các trường hợp thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm; quy định thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; về thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Bà Nguyễn Thu Thủy - Trưởng Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp cho rằng, với quy định khi một công dân làm thẻ căn cước công dân phải cung cấp đủ 23 thông tin, yêu cầu này là quá khó khăn cho công dân. Vì vậy nên chia thành 2 loại những thông tin bắt buộc và những thông tin không bắt buộc. Đồng thời, đặt ra vấn đề an toàn khi bổ sung nhiều thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp các thông tin của cá nhân vào thẻ căn cước công dân…Cân nhắc để tránh phát sinh thủ tục hành chính và chi phí thực hiện đối với việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi, khi cấp thẻ căn cước công dân để giao dịch dân sự cần có sự thông qua của cha, mẹ hoặc người giám hộ….
Bà Nguyễn Thu Thuỷ - Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phan Hậu
Đối với dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, một số đại biểu cho rằng các nội dung của dự án luật cơ bản góp phần cải cách hành chính, tăng cường áp dụng môi trường điện tử trong các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam, người nước ngoài xuất, nhập cảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, phân định và làm rõ nội hàm một số khái niệm như: “thị thực”, “thị thực điện tử”. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đề nghị giữ nguyên quy định về giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước đối với trẻ em dưới 14 tuổi (bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi); đề nghị bổ sung thêm “đối tượng” người Việt Nam ở nước ngoài được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn như: “người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân, người có nhu cầu cần được về Việt Nam…
Kết luận hội nghị, ông Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến để báo cáo Đoàn, làm căn cứ thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.