Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc triển khai thực hiện Luật Khoáng sản tại một số doanh nghiệp tại huyện Quỳ Hợp
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn. Cùng tham gia có các đồng chí Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Lân - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An; lãnh đạo HĐND, UBND huyện Quỳ Hợp.
Khảo sát trực tiếp hoạt động khai thác mỏ và chế biến khoảng sản cũng như từ báo cáo của hai doanh nghiệp là Công ty CP Khoáng sản - Thương mại Trung Hải (tại xã Châu Quang) và Công ty Cổ phẩn An Lộc cho thấy, quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định theo Luật Khoáng sản năm 2010; tổ chức cắm mốc ranh giới mỏ để khai thác trong phạm vi khai thác; tổ thức thiết kế và nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Hàng năm doanh nghiệp lập báo cáo hoạt động khai thác khoáng sản định kỳ và thống kê kiểm kê trữ lượng nộp cho cơ quan chức năng theo quy định; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nộp ngân sách nhà nước đầy đủ.
Riêng Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Trung Hải đã nộp tổng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong gần 10 năm trở lại đây là hơn 16,8 tỷ đồng; nộp thuế trong vòng hơn 16 là hơn 14 tỷ đồng và nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường gần 1 tỷ đồng.
Qua khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận một số phản ánh từ doanh nghiệp liên quan đến khó khăn, vướng mắc và những đề xuất cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, như đề xuất các cấp nghiên cứu “nới lỏng” cấp phép các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ còn sót lại nằm xen kẹp giữa các mỏ đã được cấp phép nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác cho các mỏ xung quanh và các mỏ được cấp phép đã hết hạn mà doanh nghiệp khác có nhu cầu tận thu hết nguồn khoáng sản.
Mặt khác, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, đề nghị nghiên cứu cho phép doanh nghiệp đã đầu tư chế biến sâu được phép thăm dò, nâng cấp các khu vực đã được cấp phép thăm dò mà chưa cấp phép khai thác để tận thu khoáng sản cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy.
Về điều kiện đấu giá khoáng sản, quan tâm ưu tiên các doanh nghiệp đã đầu tư chế biến sâu trên địa bàn để ổn định thị trường khoáng sản, tránh việc đầu tư lãng phí. Về công suất khai thác, đề nghị Quốc hội xem xét, áp dụng phương pháp tính công suất khai thác theo kỳ khai thác kế hoạch 3-5 năm; bởi hoạt động khoáng sản là ngành nghề đặc thù, phụ thuộc điều kiện thời tiết, là ngành nghề công nghiệp nặng, thời gian để mỏ hoạt động thực tế trong năm ít hơn so với các ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, như: đề nghị phân nhóm khoáng sản gồm 4 nhóm cụ thể theo công dụng để có các quy định phù hợp về phân cấp, thẩm quyền quản lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý đối với từng nhóm khoáng sản. Tuy nhiên, cần cho ý kiến về tính phù hợp trong phân loại khoáng sản để đảm bảo rõ ràng, hợp lý, tránh gây chồng chéo trong quy hoạch và quản lý khai thác khoáng sản, có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí. Cần làm rõ tỷ lệ thu hồi khoáng sản thuộc nhóm II (các vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng), nhưng không cần điều chỉnh giấy phép.
Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, các doanh nghiệp kiến nghị đối với khoáng sản mới được phát hiện, doanh nghiệp được phép báo cáo và khai thác khoáng sản được coi là đi kèm; doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo hoặc được phép bổ sung quy hoạch cục bộ, không bắt buộc phải chờ theo kỳ quy hoạch; đồng thời cho phép dự án vẫn tiếp tục hoạt động theo giấy phép, không bị tạm dừng chờ bổ sung quy hoạch. Đề nghị cần bổ sung quy định về chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật khai thác mỏ đối với Giám đốc điều hành khai thác lộ thiên…
Trên cơ sở khảo sát thực tế và lắng nghe các phản ánh, kiến nghị từ các doanh nghiệp, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Đoàn tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý dự án Luật Địa chính và Khoáng sản; đồng thời tham gia cho ý kiến tại các phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự thảo dự án Luật Địa chính và Khoáng sản./.