Để điều trần trở thành hoạt động chính thức và thường xuyên của HĐND, rất cần thể chế hóa vào luật và các văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất khái niệm, nội dung, trình tự thủ tục thực hiện… Là một hình thức hoạt động khá phù hợp, thời gian qua, cơ quan dân cử một số tỉnh, thành phố đã áp dụng hiệu quả hình thức điều trần, giúp thực hiện tốt chức năng đại diện, làm cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân, làm rõ hơn các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên, thắt chặt mối liên hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri. Để điều trần trở thành hoạt động chính thức và thường xuyên của HĐND, rất cần thể chế hóa vào luật và các văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất khái niệm, nội dung, trình tự thủ tục thực hiện… Căn cứ ban hành, điểu chỉnh chính sách phù hợp

Điều trần không chỉ phục vụ cho việc ban hành và đánh giá chính sách mà còn có thể góp phần tạo sự đồng thuận cho việc triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách đã ban hành. Bởi lẽ, không phải lúc nào người dân cũng thống nhất cao, thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là khi động chạm đến quyền lợi thiết thân của họ và dễ dẫn đến kiến nghị, khiếu nại. Trong trường hợp này, cơ quan dân cử sẽ giữ vai trò "trọng tài" tổ chức cuộc điều trần ba bên để lắng nghe ý kiến của người dân và giải trình của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Qua điều trần, công dân có thể hiểu rõ và đồng tình với giải quyết của các cơ quan chức năng sẽ chấm dứt kiến nghị hoặc khiếu nại kéo dài, hoặc là cơ quan chức năng thấy giải quyết của mình chưa đúng, chưa thỏa đáng sẽ tiếp thu và khắc phục.

Trong tiến trình đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đòi hỏi HĐND các cấp không ngừng cải tiến hình thức, nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với tình hình hình thực tiễn. Một hình thức hoạt động hiện nay đang được nghiên cứu triển khai là điều trần.

Điều trần là hoạt động không mới đối với cơ quan lập pháp nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn là khái niệm chưa quen thuộc và cũng chưa phải là thống nhất. Có người cho rằng đây là cuộc họp các bên liên quan nhằm thu thập thông tin, bằng chứng từ các đối tượng, chủ thể liên quan về một vấn đề cụ thể trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhưng cũng có ý kiến cho là chất vấn, giải trình hay điều trần có lẽ chỉ là vấn đề tên gọi… Do chưa có sự thống nhất và chưa có quy định pháp luật liên quan, nên ở đây không bàn sâu về khái niệm mà chỉ trình bày việc áp dụng hình thức điều trần trong hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn có thể thấy điều trần có nhiều điểm khác biệt so với chất vấn, giải trình.

Trước hết, về mục đích, điều trần nhằm thu thập, kiểm chứng thông tin để làm rõ các vấn đề quan trọng nhưng còn có ý kiến khác nhau làm cơ sở ban hành chính sách mới, hoặc xem xét kết quả thực hiện các chính sách đã ban hành. Với mục đích đó, điều trần có thể áp dụng trong việc giám sát thẩm tra các đề án để ban hành các nghị quyết hoặc giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết HĐND đã thông qua.

Về đối tượng tham gia, một cuộc điều trần phải có sự tham gia tối thiểu của ba bên: Đại diện cơ quan dân cử, đại diện cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các chính sách và đại diện đối tượng chịu tác động của chính sách. Một số trường hợp có thể mời thêm các bên liên quan hoặc chuyên gia tham dự buổi điều trần. Chính điều này đã làm cho hoạt động điều trần khác biệt so với chất vấn hay giải trình. Thông thường, trong chất vấn, giải trình chỉ cần có sự tham gia của đại diện cơ quan dân cử và cơ quan quản lý nhà nước. Với sự có mặt của đối tượng chịu tác động của chính sách (nhất là sự có mặt của đại diện cử tri) sẽ làm cho thông tin phong phú hơn, khắc phục được tình trạng phản ánh một chiều.

Hơn nữa, trong bối cảnh "ba mặt một lời", những bất cập, hạn chế của chính sách, hoặc của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi chính sách sẽ được kiểm chứng thuận lợi hơn. Thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cá nhân trong tổ chức thực thi pháp luật hoặc các chính sách và có những kiến nghị về giải pháp khắc phục hiệu quả.

Với lượng thông tin được thu thập, kiểm chứng qua hoạt động điều trần sẽ là căn cứ để đại biểu HĐND xem xét ban hành chính sách mới; hoặc đánh giá, điều chỉnh các chính sách đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn.

thong-qua-hoat-dong-dieu-tran-hdnd-thuc-hien-tot-chuc-nang-dai-dien-cua-minh--trong-anh-cu-tri-quang-nam-kien-nghi-trong-mot-buoi-tiep-xuc-voi-to-dai-bieu-hdnd-tinh---anh-tan-quang.jpg
Thông qua hoạt động điều trần, HĐND thực hiện tốt chức năng đại diện của mình. Trong ảnh, cử tri Quảng Nam kiến nghị trong một buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu HĐND tỉnh
Ảnh: Tấn Quang

Thể chế hóa để trở thành hoạt động chính thức, thường xuyên

Như vậy, có thể thấy, điều trần là một hình thức hoạt động khá phù hợp với tính chất, vai trò của HĐND. Thực tế, những năm qua, HĐND một số tỉnh, thành phố cũng đã áp dụng hình thức điều trần và đã đạt được kết quả hết sức khả quan như: Hà Tĩnh, Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh… Thông qua hoạt động điều trần, HĐND đã thực hiện tốt chức năng đại diện của mình, làm cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân, làm rõ hơn các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên, thắt chặt mối liên hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trở ngại trong việc áp dụng rộng rãi hình thức điều trần của HĐND. Về mặt nhận thức, vẫn còn rào cản nhất định cho rằng điều trần là nhằm tìm kiếm sai sót, quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước và vô hình trung tạo ra sự căng thẳng ảnh hưởng đến mục đích, hiệu quả của điều trần. Hoặc đồng nhất điều trần với chất vấn, giải trình nên hạn chế các bên tham gia nhất là đại diện của bên chịu sự tác động của chính sách (mà đây là đối tượng làm nên sự khác biệt). Bên cạnh đó, vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động điều trần và sự hạn chế về nguồn lực của HĐND khi tổ chức điều trần (nhân lực, kinh phí…).

Do vậy, để điều trần trở thành hoạt động chính thức và thường xuyên của HĐND, rất cần thể chế hóa hoạt động điều trần vào luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất khái niệm, nội dung, trình tự thủ tục thực hiện… tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ quan tham mưu các cấp và tuyên truyền nâng cao nhận thức để tạo điều kiện thuận lợi áp dụng rộng rãi hoạt động điều trần.

Nguyễn Ngọc Thái

Phó CVP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Nam

Nguồn: Báo ĐBND