Thực tế cho thấy, một trong những tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua có một phần từ việc điều chỉnh quy hoạch. Trong một số trường hợp, việc điều chỉnh quy hoạch còn có sự tùy tiện. Thực trạng này cũng đã được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 82/2019/QH14, đó là, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh ở một số địa phương còn chậm. Chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư. Và mới đây nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương cũng chỉ rõ, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thì việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải bắt nguồn từ lợi ích chung, lợi ích công cộng, lợi ích của người dân, chứ không phải từ một nhóm lợi ích nào đó. Sự thiếu ổn định trong quy hoạch không chỉ mang lại tâm lý bất an của người dân khi sử dụng đất, mà còn tạo sự e ngại của chính những nhà đầu tư.
Quan tâm đến vấn đề rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là lĩnh vực phát sinh nhiều sai phạm vừa qua. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một thực tế, nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp. "Hôm nay bảo đất nông nghiệp, mai mốt lại bảo điều chỉnh thành đất ở, sản xuất, đất công nghiệp... Rủi ro lớn nhất của đầu tư vào nông nghiệp chính là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu không quy định kỹ thì rất khó vận hành, mà vận hành rồi cũng khó tránh khỏi vi phạm trong khi việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất khó tránh khỏi trong thực tế vì đây là nhu cầu tất yếu của thực tiễn phát triển", Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo nhiều chuyên gia là do các tiêu chí để làm căn cứ điều chỉnh đôi khi còn chưa cụ thể. Tại Điểm đ Khoản 4 Điều 73 dự thảo Luật lần này quy định một trong những căn cứ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là “Có biến động về nguồn lực thực hiện quy hoạch, hình thành dự án trọng điểm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng làm thay đổi định hướng sử dụng đất”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này còn chung chung, định tính. Để tránh gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ tiêu chí đối với dự án trọng điểm và định lượng việc thay đổi định hướng sử dụng đất làm căn cứ để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
Ngoài việc quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, cần bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xảy ra sai phạm. Kiên quyết xử lý việc lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân, tập thể bị xử lý “đến nơi, đến chốn” thì mới đủ sức răn đe các sai phạm tương tự xảy ra.
Một bản quy hoạch tốt nhất là phải thể hiện được sự mong muốn của người dân, mang lại lợi ích cho người dân và lợi ích cho toàn xã hội, không vì phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó.