NHỮNG CỘT MỐC ĐÁNG NHỚ 

Anh hùng lao động Nguyễn Ngọc Lài, sinh năm 1938 tại xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương. Mới ba tuổi thì cha mẹ mất. Con người ấy sinh ra với bước chân chập chững vào đời là bước đi cay cực của một đứa trẻ mồ côi. Bất hạnh và gian nan đến sớm trong cuộc đời có thể làm thui chột tất cả, hoặc làm cho con người ta trở nên yếu hèn, mặc cảm, hoặc cay nghiệt với cuộc đời... Nhưng với Nguyễn Ngọc Lài thì không. Sự đùm bọc, chia sẻ của người thân, cuộc sống tự lập làm cho ông sớm biết đến ơn nghĩa, sự kiên cường và một tình yêu thương vô hạn đối với con người, với cuộc sống.

Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài. Ảnh tư liệu

Năm 1961, Nguyễn Ngọc Lài bắt đầu cuộc đời công nhân tại Lâm trường Con Cuông. Tình yêu cây rừng bén mầm và ngày một xanh tốt trong tâm hồn ông. Cũng từ đây, rừng đã nuôi dưỡng thêm trong ông những hoài bão lớn. Năm 1963, ông được bầu làm Tổ trưởng một tổ sản xuất. Tổ của ông nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tổ lao động XHCN”. Cùng với nhiều thành tích khác, ông được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người. Không thể nói hết niềm sung sướng, tự hào của chàng thanh niên ở góc núi mà được Bác Hồ biết đến. Phần thưởng này được ông coi là lớn nhất và vinh dự nhất trong suốt cuộc của đời mình, nguyện suốt đời học và làm theo gương Bác.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, cả nước có chiến tranh, điều kiện kinh tế- xã hội đất nước vô cùng khó khăn. Khai thác gỗ từ rừng là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng. Chủ trương này được nhà nước giao về cho các lâm trường trên toàn quốc. Và Lâm trường Con Cuông là một trong những đơn vị được giao chỉ tiêu cao nhất. Năm 1968, Nguyễn Ngọc Lài được điều về làm Đội trưởng Đội khai thác Trung Chính được sáp nhập từ hai đội khác của Lâm trường Con Cuông với 80 công nhân. Đó là lúc ông phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Bởi tư tưởng siêng ăn nhác làm, ỷ lại, bình quân chủ nghĩa, cha chung không ai khóc đã kéo đội tụt xuống hạng yếu kém trong lâm trường.

Việc đầu tiên mà ông thực hiện, đó chính là tôn vinh những người giỏi. Cho họ làm và hưởng theo năng lực đóng góp của từng cá nhân. Song song với đó, ông thành lập tổ sản xuất nông nghiệp để cải thiện bữa ăn cho công nhân. Ông đề ra quy định: Công nhân đi rừng về, phải kiêm việc hái rau nuôi lợn. Từ chỗ là đội phức tạp  không quản lý được, sau một thời gian Nguyễn Ngọc Lài đã đưa anh em vào nội quy, giờ giấc sinh hoạt ổn định. Khi ông nhận được sự đồng tình ủng hộ của anh em, cũng là lúc ông nhìn thấy một lỗ hổng lớn, trong cách quản lý cũ, cần phải chấn chỉnh.

Anh hùng Nguyễn Ngọc Lài đã phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Bài toán đặt ra là giữa những cánh rừng gỗ bạt ngàn, công việc khai thác lại vất vả, nặng nhọc, phải làm gì để khuyến khích được anh em vừa hăng say lao động, vừa quản lý được khối lượng gỗ khai thác, tránh bị thất thoát? Sau nhiều đêm trăn trở, Nguyễn Ngọc Lài  thực hiện “tiếng kẻng báo công”. Tức là khi nghe tiếng kẻng thì anh em đi làm, chiều về nghe tiếng kẻng anh em đến nạp lại bảng chấm công của mỗi người trong ngày. Trên tấm phiếu đó, ghi rõ khối lượng công việc đã làm được. Ông căn cứ vào thành tích công việc trong ngày, trong tháng để thưởng và phạt một cách  phân minh rõ ràng. Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Lài còn đưa ra khẩu hiệu  “Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh, thanh trừ đen trắng”. 

Có thể nói đến hôm nay, vẫn còn đâu đó tình trạng bình quân chủ nghĩa. Vậy mà từ hơn 40 năm trước Nguyễn Ngọc Lài đã biết áp dụng phương pháp khoán, thưởng hợp lý để khuyến khích người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vì thế, năm 1968 ông làm đội trưởng, thì một năm sau, từ đội yếu kém nhất Lâm trường, Trung Chính đã vươn lên có 2/4 tổ lao động XHCN.

Để nâng cao năng suất lao động, cơ khí hóa và kỹ thuật tiên tiến được áp dụng. Cưa máy chạy bằng xăng được triển khai. Tại Con Cuông, Nguyễn Ngọc Lài đào tạo riêng một đội ngũ công nhân chuyên dùng loại cưa này, với chế độ đãi ngộ đặc biệt. Đưa cưa xăng vào khai thác đã tăng sản lượng khai thác của đội Trung Chính lên gấp nhiều lần. Nhưng một khó khăn nữa lại nảy sinh khi mà khối lượng gỗ khai thác chỉ còn ở trên đỉnh đồi và những vùng khó khăn. Nguyễn Ngọc Lài phải tiếp tục tìm ra sáng kiến mới để đưa máy kéo lên đồi, tận dụng khai thác triệt để và nhanh gọn những nơi khó. Một cách làm mà chưa lâm trường nào trên toàn quốc áp dụng được.

Điều này đã cho thấy ở con người Nguyễn Ngọc Lài một tố chất đặc biệt. Ông chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn trở ngại nào. Vì thế, sản lượng của Đội Trung Chính từ 1 đến 2 ngàn khối/năm đã tăng lên 10-13 ngàn khối/năm. Đội Trung Chính trở thành Đội lao động XHCN. Lâm trường Con Cuông được ghi nhận là lá cờ đầu của ngành Lâm nghiệp Nghệ An và cả nước. Nguyễn Ngọc Lài trở thành người công nhân đầu tiên ở Nghệ An, trúng cử Đại biểu Quốc hội. Và ông đã được tín nhiệm tham gia 4 khóa liên tục. Với ông, Quốc hội thực sự là ngôi trường lớn để ông học hỏi nhiều hơn, cống hiến cho dân, cho nước tốt hơn. Năm 1985, Nguyễn Ngọc Lài được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vì những đóng góp to lớn của ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong đó có việc khai thác gỗ, mà nhiều người vẫn nói vui, “vì thành tích phá rừng”.

Đúng là “phá rừng” thật. Nhưng trong chiến tranh chống Mỹ, trong buổi đầu khôi phục kinh tế sau 1975, cần gỗ làm tà vẹt đường sắt, các công trình quốc phòng, xuất khẩu đổi lương thực, khí giới…, đều cần đến gỗ. Không chỉ rừng, mà cả tính mạng con người, cũng phải hy sinh với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sau chuyến đi thực tế trên Lâm trường Hương Sơn và các lâm trường Nghệ Tĩnh khác, Phạm Tuyên đã viết nên ca khúc “Bài ca người thợ rừng”, tặng những công nhân khai thác như Nguyễn Ngọc Lài:

Cây đổ dồn vang như tiếng pháo,

Tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ,

Áo thấm bao mồ hôi, nhưng lòng rộn bao niềm vui.

Rừng ơi! ta đã về đây, mang sức của đôi tay, lao động khó khăn không quản ngại.

Rừng ơi! trong tiếng ca hôm nay, vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai.

Dĩ nhiên, nếu có tầm nhìn xa hơn, sẽ có cách khai thác rừng và quản lý rừng hợp lý hơn, không đến nỗi một ngày ngoái lại, tất cả đại ngàn, tài nguyên vô giá tích tụ từ hàng ngàn, hàng vạn năm mất sạch. Một hôm, ngồi trên đỉnh đồi trọi trơ, không còn nhìn thấy một chấm xanh nào, Nguyễn Ngọc Lài bỗng thắt quặn ruột gan như bị bệnh sỏi. Và ông lại bước từng bước cuộc đời mình theo dấu chân người khai thác để bước những bước chân tiên phong trong việc trồng lại rừng.

Trong ĐH Đảng và ĐH Công nhân viên chức của Lâm trường Con Cuông, những đại hội liền nhau thành một, trước những vấn đề tâm huyết, quyết liệt do Nguyễn Ngọc Lài nêu ra đã xảy ra điều chưa từng có, kéo dài tới tới 21 ngày đêm. Nguyễn Ngọc Lài được bầu làm Bí thư Đảng ủy- kiêm giám đốc Lâm trường Con Cuông.

Ông Nguyễn Ngọc Lài với công nhân trồng rừng. Ảnh tư liệu

Đó là thành công bước đầu, là điều kiện tiên quyết để ông thực hiện ý tưởng của mình.

Nhưng đó là lúc Lâm trường phải đối mặt với nguy cơ bị giải thể. Ông Lài sắt đá: Phải trồng lại rừng. Còn rừng thì con Lâm trường”.  

Thử thách đầu tiên phải đối mặt, không dễ vượt là lấy gì để  sống.

Khai thác rừng dù vất vả nhưng lại có sản phẩm để nghiệm thu và được nhận ngay lương, thưởng. Còn trồng rừng thì phải hàng chục năm sau mới thu được lợi, nên rất khó để kêu gọi công nhân làm trước, hưởng sau… Rừng lúc ấy đã bị khai thác hết gỗ, chỉ còn lại cây bụi và các loài giang, nứa. Ông Lài cho công nhân chặt dọn sạch cây bụi để lấy đất trồng rừng. Còn giang, nứa thì ông xây dựng nhà máy chế biến để sơ chế rồi nhập làm nguyên liệu. Điều này thể hiện rõ tư tưởng làm kinh tế táo bạo của Nguyễn Ngọc Lài từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Nhà máy đã giúp ông khắc phục được khó khăn trước mắt, cải thiện đời sống cho anh em công nhân và cung cấp phần nào nguồn vốn mua cây giống. Ông chủ trương đã trồng là trồng rừng gỗ quý, lưu niên; không trồng keo và những loại cây “ăn xổi ở thì”. Đó là một tầm nhìn xa.

Để rồi, bên những gốc cây đã bị đốn hạ, từng mầm xanh bắt đầu được vun trồng bởi bàn tay của những người đã một thời làm thợ khai thác rừng. Tình cảm và ý tưởng về rừng của ông Lài không phải là một cái gì khác biệt, mà cũng là tình cảm, chí hướng của những người đã gắn đời mình với rừng. Khi tư tưởng công nhân được đả thông, hòa vào nhau làm một với giám đốc; họ biết chung lưng đấu cật, chia sẻ miếng cơm, tấm áo, tìm mọi sinh kế để quyết tâm lấy ngắn nuôi dài.

Lúc này, trên kinh nghiện thực tiễn ở Đội Trung Chính và thấm nhuần tư tưởng Đổi mới của Đảng trong ĐH VI, Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài thực hiện bước đột phá táo bạo trong cách quản lý, điều hành lâm trường. Ông khoán chỉ tiêu cụ thể về diện tích rừng phải trồng theo nhóm, theo tổ và đến từng hộ gia đình. Một phương thức quản lý rất mới mẻ ở Việt Nam thời đó. Bằng phương thức này, ông đã gắn vai trò, trách nhiệm và cả quyền lợi của mỗi công nhân vào từng khoảnh rừng được trồng, chăm sóc.

Cũng thời điểm đó, Nhà nước triển khai Dự án 327 về khôi phục rừng. Dự án như nguồn sinh khí mới tiếp thêm sức mạnh và càng khẳng định chủ trương trồng rừng đi trước thời gian của Nguyễn Ngọc Lài là đúng đắn, táo bạo. Lúc này, nhiều lâm trường trên cả nước có tình trạng “trồng giả, nghiệm thu giả”. Do cách quản lý mới, người công nhân biết quyền lợi của mình gắn liền với đất rừng, nên họ đã làm thật, hưởng thật. Gần 20 ngàn hecta rừng đã được trồng với độ che phủ đạt 95%. Lâm trường Con Cuông trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về diện tích rừng trồng và mật độ che phủ. Với sự kiên định, dám nghĩ, dám làm và thành tích xuất sắc trong việc trồng rừng năm 2002, lần thứ 2 Nguyễn Ngọc Lài được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

GIÁM ĐỐC TỰ PHẠT MÌNH

Cương trực, thẳng thắn, dám hy sinh lợi ích bản thân cho lợi ích tập thể là điều không phải người lãnh đạo nào cũng làm được. Với mỗi người công nhân Lâm trường Con Cuông thời đó và cả đến hôm nay, ai cũng biết câu chuyện giám đốc Lài tự phạt mình. Cứ mỗi lần nông trường không đạt chỉ tiêu, hay anh em mắc lỗi, Ông Nguyễn Ngọc Lài lại tự phạt mình, bằng cách trừ vào lương mỗi tháng. Bởi ông cho rằng, vì ông quản lý không nghiêm khắc, chưa làm tròn trách nhiệm của người quản lý nên mới để anh em mắc lỗi. Có tháng lương Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài chỉ còn vẻn vẹn 10 ngàn đồng. Cái sự gương mẫu ấy, đã làm cho mọi người kính trọng ông, thương ông, tự giác hơn trong công việc; biến tập thể thành một ý chí, từ đó cùng nhau lập nên nhiều kỳ tích.

DI SẢN

Trước đây, khi rừng đã khai thác hết, phần lớn công nhân không có việc làm. Cuộc sống của họ cũng giống như những cánh rừng trơ trụi vào mùa mưa lũ. Nhưng từ khi Nguyễn Ngọc Lài triển khai trồng rừng, họ được khoán đất, trồng cây, rồi làm nhà trên chính mảnh đất đó để sinh sống và an cư. Ông Phan Bá Triều- người quản voi vận chuyển gỗ giỏi nhất của ông Lài khi xưa, giờ đây ông và gia đình đã làm chủ hàng chục hecta rừng trồng. Hay như cánh rừng mét bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Thế Thái - một công nhân thuộc đội Trung Chính trước đây. Từ những cánh rừng này, cuộc sống gia đình ông đã thay đổi. Cũng vì thế mà tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông có ngôi làng  mang tên Trung Chính. Phần lớn các hộ gia đình sinh sống ở đây đều thuộc công nhân lâm trường trước kia được Nhà nước giao đất khoán rừng theo sáng kiến và đề xuất của Nguyễn Ngọc Lài. Quan trọng hơn là lợi ích to lớn mà những cánh rừng ấy mang lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Một màu xanh bạt ngàn, cùng nguồn tài nguyên vô giá với nhiều loại gỗ quý. Một môi trường sinh thái an lành cho cả khu vực Miền Tây Xứ Nghệ. Đặc biệt, rừng của Lâm trường Con Cuông còn là tấm lá chắn bảo vệ vườn Quốc gia Pù Mát - một trong những khu rừng nguyên sinh lớn nhất còn lại của Việt Nam. Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài từng chia sẻ: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với Rừng. Sống chết vì Rừng. Dù ở những thời điểm lịch sử khác nhau, những việc tôi làm cho Rừng tưởng như mâu thuẫn. Nhưng lại nhất quán trong tính cách của tôi. Bởi dù ở thời điểm nào, tôi cũng luôn tìm mọi cách vượt qua khó khăn thách thức để thực hiện tốt nhất công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó. Dù tôi nghỉ hưu, thân xác của tôi về với gia đình, nhưng tâm hồn tôi vẫn dõi theo từng bước đi, từng sự đổi mới của Lâm trường Con Cuông…”.   

Và các cánh rừng do ông Lài hồi sinh giờ đã trở thành khu sinh thái, phủ một màu xanh bạt ngàn cho miền Tây xứ Nghệ. Ông cũng đã gieo mầm giá trị đạo đức và tình yêu rừng đến cho thế hệ mai sau. Người xứ Nghệ nhắc đến “con đường mang tên ông Lài”, hay “rừng ông Lài” như những ký ức còn mãi về một con người sống trách nhiệm, nghĩa tình, tâm huyết và tình yêu với rừng không bao tắt. Giờ đây, dù người vinh dự được 2 lần đón nhận danh hiệu anh hùng lao động ấy đã trở về với đất mẹ, nhưng câu chuyện về ông và những việc ông làm vì màu xanh của rừng sẽ còn vang vọng mãi giữa đại ngàn Miền Tây Xứ Nghệ./.