Chiều 27/5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
TĂNG HẠN TUỔI PHỤC VỤ CỦA CÔNG AN NHÂN DÂN
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân khi ban hành sẽ tạo được sự thống nhất, phù hợp trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an quy định tại Luật CAND năm 2018 bảo đảm tương quan với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012 gắn với đặc thù của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng CAND nói riêng về cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù về tổ chức bộ máy của các đơn vị trong CAND.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021); theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Bộ luật Lao động được coi là “Luật gốc” về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung. Vì vậy, trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng CAND, cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 6/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật CAND cho phù hợp.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan CAND theo hướng: Bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.
Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
Điều 30, Luật CAND năm 2018 quy định, hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan CAND quy định như sau: Hạ sĩ quan: 45; cấp úy: 53; thiếu tá, trung tá: nam 55, nữ 53; thượng tá: nam 58, nữ 55; đại tá: nam 60, nữ 55; cấp tướng: 60.
Còn theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an: Nam 62, nữ 60; hạ sĩ quan: 47; cấp úy: 55; thiếu tá, trung tá: Nam 57, nữ 55; thượng tá: Nam 60, nữ 58; đại tá: Nam 62, nữ 60; cấp tướng: Nam 62; nữ 60.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân khi được ban hành cũng sẽ tháo gỡ một số vướng mắc quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân; cũng như tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc áp dụng thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn quy định tại dự thảo liên quan đến việc cấp trưởng phòng và tương đương ở các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; Trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, Trưởng Công an quận thuộc Công an Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao hơn một bậc quy định.
Cùng với đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị nên quy định tỷ lệ nhất định đối với kéo dài tuổi phục vụ của sĩ quan CAND, còn nếu quy định chung chung thì có thể xảy ra việc biên chế ở lại phục vụ nhiều, mặc dù đến tuổi nghỉ hưu.
Dự thảo Luật cũng quy định: “Trường hợp đặc biệt sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này có thể được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền”, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm “trường hợp đặc biệt” và cấp nào là “cấp có thẩm quyền” trong quy định này; trong khi Chính phủ đã có Nghị định 83 quy định về vấn đề này khi thực hiện Bộ Luật Lao động 2019;…
NHIỀU QUY ĐỊNH RÚT GỌN, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC XUẤT, NHẬP CẢNH
Cùng với đó, các vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá, dự thảo Luật trên có nhiều quy định rút gọn thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra; đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội dung.
Trong đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm nội dung quy định trong dự thảo Luật liên quan đến vấn đề chuyển giao thẩm quyền trong vấn đề chủ trì việc đề xuất, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an liệu có phù hợp? Đồng thời, quy định này dẫn đến việc sửa đổi các luật có liên quan như Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Điều ước quốc tế đã có quy định nên cần nghiên cứu thêm để đảm bảo thống nhất giữa các luật.
Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - đại biểu Đoàn Nghệ An cho biết, dự kiến sau khi sửa đổi Luật Căn cước công dân, thời gian tới sẽ cấp Giấy chứng nhận căn cước người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công an sẽ có khoảng 31.000 người thuộc diện này. Tuy nhiên, theo đại biểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đề cập đến Giấy xuất, nhập cảnh cho những đối tượng này, do đó, cần cân nhắc có hình thức phù hợp, chính sách rất cụ thể với những người này, để tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền con người trong việc đi lại.
Thành Duy - Hậu Phan