Ngày 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về Luật Nhà giáo. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng các đoàn: Bắc Giang, Quảng Ngãi.

bna_db8a3856691bd2458b0a.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều có nhiều điểm mới so với các luật liên quan hiện hành, như: Đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, và các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Dự thảo Luật Nhà giáo còn có các chính sách chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo; giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm; bố trí ưu tiên trong chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn có các chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…; chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo.

bna_48896f043e498517dc58.jpg
Các vị ĐBQH trong đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Phát biểu thảo luận tại tổ, ĐBQH trong đoàn Nghệ An ủng hộ với việc ban hành Luật Nhà giáo. GS. TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá cao các chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và đề nghị xác định rõ các nguồn lực Trung ương, địa phương để thực hiện chính sách.

bna_d045a10cf0414b1f1250.jpg
GS. TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh đó, GS Thái Văn Thành cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất; trong đó ông đề nghị có chính sách để những người từng làm giáo viên, giảng viên khi chuyển công tác vào làm công tác nghiên cứu ở các viện, cơ sở nghiên cứu vẫn được xem là nhà giáo; qua đó đảm bảo quyền lợi để phấn đấu được công nhận phó giáo sư, giáo sư.

GS Thái Văn Thành đề nghị trong quy định về chế độ làm việc của nhà giáo nên bổ sung công việc soạn bài, chấm bài của giáo viên thành tiết dạy; đồng thời đề nghị bổ sung đối tượng là học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được ưu tiên thu hút, tuyển thẳng vào trường Sư phạm, sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc giữ lại trường làm giảng viên để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn lực các cấp học, bậc học và cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Đặc biệt, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu để có thêm các chính sách ưu tiên hơn đối với giáo viên mầm non, ngoài ưu tiên có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không có quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu, vì giáo viên mầm non rất vất vả.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam tỉnh, đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá cao việc dự thảo Luật đã đưa vào các quy định khẳng định vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công tập; song mong muốn cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể, khả thi gắn với nguồn lực từ ngân sách để thực hiện chính sách đối với nhà giáo ngoài công lập về đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên…

bna_8fa75a560b1bb045e90a.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam tỉnh, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh đó, mặc dù dự thảo Luật đã có những quy định mở cho việc tham gia hoạt động của giáo viên người nước ngoài trong hệ thống giáo dục quốc dân; tuy vậy vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, quy định cụ thể trong các điều luật còn mờ nhạt và khó khả thi; qua đó bà mong muốn ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị rà soát lại ngôn ngữ kỹ lưỡng đảm bảo thuyết phục hơn, cũng như tạo được sự ủng hộ, trong đó có việc quy định điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Cụ thể, đại biểu ủng hộ việc điều động nhà giáo do sắp xếp lại cơ sở giáo dục hoặc giải quyết tình trạng thừa, thiếu nhà giáo, hoặc hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền bày tỏ quan điểm chưa thuyết phục khi dự thảo Luật còn có quy định là điều động nhà giáo “theo yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục”. Bà đề nghị cần có quy định cụ thể đối với nội dung này để tránh tránh lạm dụng trong việc điều động, tạo sự ổn định, yên tâm công tác cho nhà giáo.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, cũng đề nghị thông qua các quy định của Luật tăng thêm quyền, vị thế của nhà giáo, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo nhằm bảo vệ tốt hơn danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo.

Cũng trong chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trước đó, trong sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo.

Thành Duy - Thúy Vinh