Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm sửa đổi với nhiều chính sách quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung 2 đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với luật hiện hành.

Cụ thể là người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.

daongocdung-759.jpg?width=0&s=Mjiw1r0HHCtpq_TfUwOWog
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH

Giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm). Đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp như yêu cầu tại Nghị quyết 28 Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là một thách thức lớn.

Trong khi đó, Luật Việc làm hiện hành quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, gồm 2 đối tượng mà Chính phủ đề xuất trên.

Cùng với mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đề xuất cho linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, luật hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi quỹ kết dư lớn.

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung thêm một trường hợp không được hưởng là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Hưởng trợ cấp thất nghiệp trên nguyên tắc “đóng - hưởng”

Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra...

nguyenthuyanh0-760.jpg?width=0&s=KQhUPST0ocuvarQwG9-naw
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QH

Theo cơ quan thẩm tra, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cũng lưu ý cân nhắc với quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bởi vì theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định này để tạo điều kiện cho những người lao động nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.