images5509446_kho_bac.jpg
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Nghị định số 24/2016/NĐ-CP nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong quản lý ngân quỹ Ảnh: Đức Mạo
Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Để tạo cơ sở pháp lý xử lý các tình huống có thể phát sinh sau này, phù hợp với thông lệ giao dịch chung trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung Khoản 5 vào Điều 16 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP theo hướng cho phép Kho bạc Nhà nước được bán hoặc giữ trái phiếu Chính phủ là tài sản bảo đảm trong các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ tới khi đến hạn trong trường hợp đối tác giao dịch với Kho bạc Nhà nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã cam kết.

Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP đã bước đầu tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng hiện đại, đáp ứng mục tiêu quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước đã đạt một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước và gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý ngân quỹ, ngân sách và quản lý nợ; đồng thời, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh một số vướng mắc, bất cập về việc sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi; về biện pháp xử lý thiếu hụt ngân quỹ bằng ngoại tệ; về biện pháp phòng ngừa rủi ro; về tài khoản thanh toán tập trung...

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi Nghị định số 24/2016/NĐ-CP. Việc này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngân quỹ và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (thống nhất với Luật Quản lý nợ công; Luật Phí và lệ phí và các văn bản có liên quan khác); đồng thời khắc phục một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.

Nâng cao trách nhiệm trả nợ của địa phương

Cụ thể, về việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh (Điểm a, b Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP), Bộ Tài chính đề xuất quy định: Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh "tạm ứng", "vay".

Các khoản tạm ứng ngân quỹ của ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh phải hoàn trả trong năm ngân sách và không được gia hạn. Các khoản vay ngân quỹ của ngân sách trung ương được phép gia hạn với thời hạn mỗi lần tối đa không quá 12 tháng; các khoản vay của ngân sách cấp tỉnh được phép gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 12 tháng.

Bộ Tài chính cho biết, quy định như vậy nhằm ưu tiên sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương; đồng thời, để nâng cao trách nhiệm trả nợ của các địa phương, tránh phát sinh các khoản vay ngân quỹ của ngân sách cấp tỉnh bị kéo dài trong thời gian trước đây.

Bảo đảm nhu cầu sử dụng ngân quỹ cho ngân sách cấp tỉnh

Thực tế, nhu cầu sử dụng nhà nước tạm thời nhàn rỗi của các địa phương rất khác nhau. Có địa phương có nhu cầu nhưng không được tạm ứng/vay ngân quỹ trong khi nhiều địa phương không có nhu cầu lại được phân bổ hạn mức.

Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu sử dụng ngân quỹ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bãi bỏ quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ cho từng ngân sách địa phương cấp tỉnh (tại Điểm b Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP).

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính sẽ quyết định sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng, cho vay đối với từng địa phương; bảo đảm tổng số dư nợ tạm ứng, vay ngân quỹ và các khoản dư nợ huy động khác của ngân sách địa phương cấp tỉnh nằm trong mức được phép huy động tối đa theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước.

Để phù hợp với những nội dung sửa đổi này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bổ sung quyền hạn của Bộ trong việc quyết định sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh "vay"; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh về việc thực hiện tạm ứng, vay ngân quỹ; sử dụng vốn tạm ứng, vay và trả gốc, lãi tạm ứng, vay ngân quỹ.

Hà Lan Báo: ĐBND