Để Nghệ An ‘bước thật mạnh, tiến thật xa’ - Kỳ 4: Thời cơ, vận hội mới
Với quan điểm “xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước”, ngày 18/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng mục tiêu đến năm 2030 Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Đồng thời xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển mạng lưới đô thị, nhất là các đô thị trung tâm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số.
Tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ, y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo. Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với khu vực, vùng và cả nước; tạo sự thống nhất trong nhận thức của tất cả các cấp, các ngành; từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá để thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần để xây dựng và phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước. Quan điểm đó được thể hiện rõ tại cuộc làm việc của Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW về Nghệ An. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những phân tích, định hướng rất sâu sát, cụ thể trên tinh thần vừa trách nhiệm, vừa thể hiện tình cảm sâu sắc đối với Nghệ An.
Về quan điểm, tầm nhìn để dẫn dắt phát triển, theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cần phải nhìn nhận, văn hóa xứ Nghệ, con người Nghệ An là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất và chủ yếu để xây dựng và phát triển tỉnh; đồng thời cần khẳng định thế mạnh Nghệ An là nơi lưu giữ, trao truyền, phát huy các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng. Cùng với đó, trên cơ sở đặc thù là một tỉnh có địa bàn rộng nhất cả nước, Nghệ An cần định hình một tư tưởng để dẫn dắt phát triển phía Đông và phía Tây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm chủ đạo là Nghệ An cần phát huy tính tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất của mình; đồng thời phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần đại đoàn kết của vùng đất địa linh nhân kiệt; huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực ngoài xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt nguồn lực đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ phát triển tỉnh một cách đột phá. Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Nghệ An; đồng thời hạn chế được những mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, vướng mắc mà tỉnh phải tháo gỡ.
Đặc biệt, theo Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An cần tập trung huy động nguồn lực công tư để phát triển hạ tầng, mở rộng sân bay, bến cảng, đường giao thông kết nối với Lào; kết nối với vùng để phát triển theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; gắn với đó là tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ cho Nghệ An mà cho cả vùng; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính hơn nữa, giảm thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần xác định tư duy, tầm nhìn đột phá hơn, khát vọng phát triển lớn lao hơn trong quá trình xây dựng và phát triển Nghệ An giai đoạn tới: “Xác định trong toàn Đảng bộ một khát vọng phát triển, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện quyết liệt môi trường đầu tư kinh doanh, có những giải pháp đột phá quyết liệt hơn”. Trong đó, về định hướng phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rạch ròi trong việc xác định vị thế của Nghệ An và của thành phố Vinh trong việc xây dựng thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực. Cụ thể là xác định việc xây dựng thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh với vai trò là một đô thị trung tâm, động lực; từ định vị đó để bố trí nguồn lực, ban hành các thể chế, chính sách cho thành phố Vinh “bứt lên”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Nghệ An mới chỉ là bước mở đầu quan trọng, vấn đề quyết định là tổ chức thực hiện cho hiệu quả; phải biến Nghị quyết thành của cải vật chất, thành hiện thực sinh động, những điều chúng ta mong muốn là Nghệ An phải giàu có hơn, mạnh hơn. Theo đó, tinh thần là địa phương phải cố gắng, quyết liệt hơn, là chủ lực, là nội lực, là người phải thực hành, không được ỷ lại. Nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng rất quan trọng, không khoán trắng cho địa phương. Tất cả cần vào cuộc đồng bộ với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để tạo chuyển biến cụ thể, rõ rệt.
Kỳ cuối: “Biến Nghị quyết thành của cải vật chất”
Nội dung: Đức Chuyên - Thành Duy
Ảnh: PV - CTV
Thiết kế - Kỹ thuật: Hữu Quân