Trong một đợt đi giám sát về công tác dạy nghề ở huyện X, trước khi về cơ sở, đoàn chúng tôi làm việc với Thường trực HĐND huyện và phòng Lao động, Thương binh và Xã hội ở tầng 2 của trụ sở huyện. Giờ giải lao tôi xuống tầng 1, thấy rất đông người mới biết hôm ấy là ngày tiếp dân thường kỳ của huyện. Thấy có chút ồn ào tôi ghé lại, một chị dáng vẻ nông dân đang lúng túng lấy lại cái nón để trước cửa phòng tiếp dân và không biết trả lời thế nào trước các câu hỏi dồn dập có vẻ nghiêm trọng của một cán bộ trẻ tay đang ôm tập tài liệu:
- Chỗ chị để nón đây à? Đây có phải chỗ chị để nón không?
Tôi quan sát nhanh rồi tiến lại hỏi người cán bộ nọ:
- Anh ơi, vậy chị ấy để nón ở đâu ạ?
- Chị là ai mà hỏi?
- Tôi cũng chỉ là công dân thôi, tôi muốn tìm chỗ để nón giúp chị này trước khi vào phòng tiếp dân, nhờ anh hướng dẫn hộ.
Anh cán bộ trẻ có vẻ lúng túng trước câu hỏi của tôi nhưng anh ấy không trả lời mà vội vàng ôm tập tài liệu đi vào phòng. Chị nông dân gần như nép vào người tôi lo lắng, tôi hỏi thăm chị mới biết nhà chị ấy cách huyện gần 20 km và lên huyện hỏi về chế độ thanh niên xung phong. Tôi đang động viên chị cựu thanh niên xung phong nọ thì anh Hồ Sỹ Hùng (nay là Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh) xuống tìm tôi để lên tầng 2 tiếp tục làm việc và tôi thấy mình rời khu vực này ngay là cần thiết vì đã có mấy người dân bắt đầu xúm lại, dễ gây mất trật tự. Tôi và Hùng gật đầu chào mọi người rồi đi nhanh. Trước khi đi tôi còn thấy anh cán bộ tiếp dân hé cửa nhìn theo chúng tôi như có điều muốn nói.
Suốt cả buổi làm việc còn lại trong đầu tôi vẫn ám ảnh hình ảnh người phụ nữ lúng túng cùng cái nón trước phòng tiếp dân với một loạt giấy tờ nhàu nát. Sau bữa cơm trưa hôm đó, anh cán bộ chờ tìm gặp tôi và nói lời xin lỗi. Hai chị em nói chuyện với nhau khá lâu về công tác tiếp dân. Tôi nói với em: "Hôm nay chị nông dân nọ đi xe đạp nên chị ấy chỉ mang chiếc nón nhưng nếu họ đi xe máy thì có thêm mũ mà mũ đó là một tài sản của họ, chưa nói tới những ngày mưa họ còn có cả áo mưa... Bởi vậy các em cần tham mưu làm cái giá để mũ nón cho dân, sắm thêm những chiếc ghế ngồi chờ đừng để dân đứng ngồi lố nhố. Em và đồng nghiệp chú ý tới âm lượng khi trao đổi với dân ...". Tôi cảm nhận được người cán bộ trẻ nọ rất cầu thị lắng nghe tôi.
Bẵng đi mấy tháng, một hôm đang làm việc tôi được báo có khách và vị khách chính là em cán bộ tiếp dân huyện X. Tôi ngạc nhiên nhưng rất vui khi em nói: "Có dịp về huyện chị nhớ ghé thăm phòng tiếp dân chúng em, bữa nay phía ngoài phòng tiếp dân không chỉ có giá để mũ nón và nhiều dãy ghế mà chúng em còn lắp thêm quạt, lúc nào cũng có mấy bình nước chè nữa chị ạ. Đặc biệt là tấm lòng của mình đối với dân. Đúng như chị nói, dân có nỗi niềm họ mới đến huyện đừng tạo thêm sự bức xúc cho họ nữa".
Năm tiếp đó, trong chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh có nội dung: "Giám sát về công tác tiếp dân và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân".
Em cán bộ nọ nay đã là cán bộ lãnh đạo, chị em tôi vẫn liên lạc với nhau thân thiết. Khi viết bài này tôi đã đọc cho em nghe, em nói: “Câu chuyện nhỏ nhưng là bài học lớn cho em chị ạ”
Bùi Thu Hương
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An