Chuyện về ba lão nông khai phá vùng bãi nổi

Trên chiếc thuyền máy gia đình sắm để đi lại canh tác đã gần 25 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình (thôn Mỹ Chùa, xã Thanh Tiên) chở chúng tôi ra thăm vùng đất bãi nổi mà ông và hai hộ dân khác trong xóm đã đổ mồ hôi, công sức khai hoang để trồng trọt. Đưa ánh mắt ra xa, bao quát cả vùng bãi nổi giữa bốn bề sông nước, ông kể lại: “Nhà chúng tôi ở cửa sông, nơi giao nhau giữa sông Giăng, sông Con và sông Lam đổ về. Mỗi mùa mưa lũ đi qua, nước rút, một doi đất phù sa nổi giữa dòng sông, mùa lại mùa, được bồi đắp rộng và dài ra. Lau sậy cứ thế mọc ken dày, tạo thành một bờ thành chắc chắn, giữ cho lớp đất màu mỡ không bị trôi đi. Nhận thấy đất này, nếu trồng màu thì sẽ rất phù hợp. Thế nhưng, chẳng ai dám mạo hiểm khi xuống giống giữa mênh mông sông nước ấy, bởi, chỉ cần một trận mưa to thì tất cả sẽ bị nước cuốn trôi…”.

Ông Bình đầu tư máy tời để phục vụ sản xuất ở vùng bãi nổi

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Bình vẫn cảm thấy tiếc nếu để đất bồi hoang phí. Vậy là bắt đầu từ năm 2000, ông dong trâu, vác cày lên thuyền, chèo sang bên kia bãi, đặt những luống cày đầu tiên để dọn lau sậy, cỏ dại và gieo xuống đất những hạt giống ngô, khoai, sắn… “Lúc đó, ai cũng can ngăn, cũng bảo tôi hâm dở, liều. Đất bãi nổi, chỉ cần nước dâng lên là nhấm chìm tất cả, rồi lại công cốc thôi. Nhưng, nếu không liều, không thử thì làm sao biết được hay mất”, ông Bình nhớ lại. Và, không ngoài dự đoán của nhiều người, mùa vụ đầu tiên, do gieo trồng muộn, giống dài ngày nên khi khoai, ngô chưa kịp thu hoạch thì lũ về, ông mất trắng tất cả.

Bãi ngô xanh tốt ở vùng bãi nổi của 3 lão nông Thanh Chương

Nhưng, chính lần mất trắng đó đã cho ông kinh nghiệm, rằng, trồng cây trên đất bãi nổi thì phải tìm cách né lụt, một mặt, phải tìm cách giữ được phù sa sau mỗi mùa mưa lũ. Thế nên, bắt đầu từ tháng 2 dương lịch là ông làm đất, xuống giống, chọn những giống ngắn ngày để trồng để kịp thu hoạch trước khi mùa mưa lũ về. Xung quanh đất canh tác, ông để lau, sậy mọc kín, ken dày để giữ lại phù sa, không để nước cuốn trôi khi mưa lớn. “Bãi bồi chỉ canh tác được một vụ, thu hoạch trước mưa bão. Đất bãi bồi, phù sa, màu mỡ nên chỉ cần cày ải, lên luống, gieo giống chứ không phải phân bón, cũng không tốn công chăm sóc. Thứ nữa, mỗi mùa lại bồi một lớp phù sa mới nên cũng ít sâu bệnh phá hoại. Đặc biệt, năng suất các loại cây trồng luôn vượt trội. Ban đầu, chỉ một vài sào, nay, tôi đã khai hoang bên đó cả 3 mẫu đất. Những năm cao điểm, làm ngô, khoai, đậu… cũng thu về 180-200 triệu đồng từ đất bãi bồi”, ông Bình cho biết.

Trồng cây chắn sóng, tránh sạt lở ở bãi nổi

Ngoài ông Bình, ở thôn Mỹ Chùa còn có 2 hộ khác là ông Trần Văn Tá, Nguyễn Văn Vượng cũng đã khai thác vùng đất bãi bồi hàng chục năm nay. Hiện, mỗi hộ canh tác từ 1,5-2ha đất bãi bồi, trồng chủ yếu là ngô lai, khoai bãi và đậu, lạc, mang lại thu nhập mỗi năm từ 150-250 triệu đồng/hộ. Vốn là những người dân vạn chài, sống lênh đênh sông nước, sau khi lên bờ, để có thêm tư liệu sản xuất, họ đã mạnh dạn khai hoang, biết biến bất lợi của thiên nhiên thành vùng bãi trù phú, có thu nhập ổn định. “Mùa này, nước sông dâng cao, lại sắp cao điểm mưa lũ nên chúng tôi đang cho đất nghỉ. Ra tháng Giêng, Hai mới bắt đầu làm đất, xuống giống. Canh tác đất bãi bồi nhàn lắm, ít phải đầu tư, ít công chăm bón nhưng thu nhập rất khá. Cái khó khăn là cách trở, muốn sang bãi phải đi thuyền máy”, ông Nguyễn Văn Vượng cho biết.

Hiện, các hộ canh tác ở bãi bồi đã mua thuyền máy, đầu tư máy tời để vận chuyển nông sản từ bãi bồi sau mỗi mùa thu hoạch. Cũng nhờ biết khai tác tiềm năng đất bãi bồi nên các hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khá giả, nuôi con cái học hành, thành đạt. Ông Dương Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên cho biết: “Ba hộ dân ở xóm Mỹ Chùa là những hội viên dám nghĩ, dám làm. Họ mạnh dạn khai thác đất bãi hoang, biến bất lợi thiên nhiên thành tư liệu sản xuất hiệu quả. Mỗi mùa mưa lũ đi qua, với họ là có thêm đất bồi sản xuất, đất thêm màu mỡ, phù sa, cây ngô, cây khoai, cây đậu thêm năng suất, thu nhập cao thêm…”.

Nông trại “di động” ở Trung Sơn

Hàng chục năm nay, sông Lam đoạn chảy qua xã Trung Sơn (Đô Lương) hình thành vùng bãi nổi rộng cả chục ha. Thế nhưng, chỉ để hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Mùa khô hạn, bãi nổi mênh mông trở thành nơi chăn thả trâu bò, hoặc một vài hộ dân tiếc đất, gieo xuống đó dây bầu, dây bí để làm thực phẩm, còn lại bỏ hoang hoá. Bởi, chẳng ai dám mạo hiểm bỏ tiền của, công sức ra mà không “ăn chắc”. Ông Lưu Quang Toản, công chức nông nghiệp xã Trung Sơn (Đô Lương) cho biết: “Bao năm để hoang, không ai làm cả. Cả vùng bãi nổi bên kia và vùng bãi bên này rộng 11ha, là đất 5% của xã. Phía bãi trong còn có người đấu thầu, thuê để làm màu nhưng cũng không hiệu quả còn bãi nổi thì để hoang hoá. Đến năm 2021, chị Vũ Thị Chinh (Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp) tìm hiểu và thuê lại của xã toàn bộ diện tích vùng bãi để canh tác”.

Nông sản trên vùng bãi nổi Trung Sơn

Xác định để “ăn chắc” trên vùng đất bãi thì khâu lựa chọn giống, và thời điểm gieo trồng để tránh lụt là rất quan trọng. Mặt khác, để khai thác hết tiềm năng phù sa vùng bãi, chị Chinh đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng 2,5ha nhà màng, trồng các loại dưa lưới, dưa lê, cà chua cherry, dưa chuột baby… Còn diện tích phía ngoài, chị trồng bí, mướp ngọt, mướp hương, các loại rau màu khác. “Nhà màng thì làm loại tháo lắp. Mùa nắng hạn (từ tháng 2- tháng 6) thì dựng ở vùng bãi nổi để trồng các loại rau, củ, quả cao cấp, giá trị kinh tế cao. Đến mùa nước nổi lại thu dọn nhà màng, chuyển lên cao trồng giá thể. Đất bãi bồi phù sa, màu mỡ rất thuận tiện để canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên, lại không tốn kém chi phí nên làm ra sản phẩm sạch, ngon, chất lượng, giá cả cạnh tranh. Do đó, toàn bộ sản phẩm từ nông trại đã được hệ thống bán lẻ hiện đại ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh như Winmart, Lotte Mart, các cửa hàng thực phẩm sạch bao tiêu toàn bộ”, chị Vũ Thị Chinh cho biết.

Thu hoạch rau củ ở bãi nổi Trung Sơn

Từ vùng đất bãi nổi để hoang, với bàn tay, khối óc, với sự nhanh nhạy, năng động của những người nông dân nay đã thành những nông trại doanh thu cao, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động địa phương với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Vùng đất bãi nổi, bãi soi chạy dọc theo sông Lam từ Đô Lương trải rộng xuống Nam Đàn, Hưng Nguyên… vào mùa khô là tiềm năng để phát triển nông nghiệp sạch. Nếu được khai phá, được đánh thức thì mang lại giá trị không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp, biến bất lợi của thời tiết, của thiên nhiên thành tư liệu sản xuất hiệu quả.