Du lịch Tây Nghệ dần khởi sắc nhờ những người trẻ và công nghệ số 4.0.

Mời gọi du khách qua mạng xã hội

Với lợi thế là những đồi chè trùng điệp xanh ngút tầm mắt cùng với những sườn đồi trù phú; có thác Liếp 4 mùa nước trông văn vắt với những tảng đá khổng lồ được ví như Hạ Long trên cạn cùng với nét đặc sắc văn hoá, xã Thanh Sơn (Thanh Chương) hội tụ đủ các yếu tố để khai thác du lịch cộng đồng. Và thực tế, những năm gần đây, nhờ có mạng Internet, nhờ có Zalo, Facebook mà người dân khắp nơi biết đến địa danh này. Những ngày cao điểm của mùa hè nắng nóng, thác Liếp đón hàng nghìn người đến ngắm cảnh, tắm và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Thái, Khơ mú tại xã tái định cư này. Người dân cũng rất nhanh nhạy, năng động khi biết dựng lán trại phục vụ du khách nghỉ chân; nhiều dịch vụ như ăn uống, thuê đồ dân tộc; các quầy hàng bán nông sản, đặc sản địa phương được dựng lên…  “Nếu không có mạng xã hội thì thác Liếp cũng chỉ là nơi để người dân địa phương tắm mát vào những ngày hè. Nhờ có công nghệ số, nhờ có internet, có điện thoại thông minh mà thác nước, núi non của đồng bào tái định cư mới có thể mời gọi được du khách, được thế giới biết đến” – chị Lô Thêu, một người dân xã Thanh Sơn cho biết.

Điểm du lịch Văng Pột hút khách nhờ mạng xã hội

Cũng nhờ có mạng xã hội mà những cảnh đẹp như: hang Mó (Tiên Kỳ, Tân Kỳ), cây xoài cổ thụ, khe cá mát bản Cướm (Diên Lãm, Quỳ Châu), Khu du lịch sinh thái Văng Pột (Lưu Kiền, Tương Dương)… được nhiều người biết đến. Anh Dương Xuân Hùng, một du khách ở thành phố Vinh cho biết: “Chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ cuối năm này, tôi đã liên hệ với một công ty du lịch ở Nghệ An để tham gia tour trải nghiệm miền Tây xứ Nghệ. Qua một trang fanpage, tôi tình cờ biết đến những hang động kỳ vĩ ở Kỳ Sơn, những khe suối ở Tương Dương, những đồi chè shan tuyết cổ thụ và những làng nghề đặc sắc.

Anh Hùng chia sẻ thêm, trước nay vào các ngày nghỉ lễ gia đình anh thường sẽ tổ chức đi chơi, và hầu hết là đi các tỉnh khác. Nay qua các phản hồi trên mạng xã hội, thấy nhiều ý kiến ca ngợi cảnh đẹp của chính quê hương Nghệ An mình, nên cũng muốn khám phá.

Hiện nay, các địa phương dọc các tuyến Quốc lộ 48 và Quốc lộ 7 đều có những đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá giàu tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Ngoài nguồn tài nguyên về diện tích rừng, về quy mô và sự đa dạng sinh học trong không gian khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, tài nguyên du lịch của vùng miền Tây còn bao gồm cảnh đẹp tự nhiên rải khắp nhiều huyện. Ví như Vườn Quốc gia Pù Mát (Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương); Thác Kèm, Đập Phà Lài, Khe Nước Mọc (Con Cuông); Thanh Chương có Thác Liếp, Thác Cây Trám, Thác Lụa, hồ Sông Rộ, Đảo chè (Đập Cầu Cau); Anh Sơn có vực Bụt, Sông Giăng – bản Vều; Tương Dương có Hồ Thủy điện Bản Vẽ, Rừng săng lẻ, Khe Cớ; Kỳ Sơn có cổng trời Mường Lống, Đỉnh Pu Xai Lai Leng, nhiều thác nước tự nhiên như Thác Huồi Giảng (Tà Cạ), Thác Rồng (Mường Lống), Thác Ka Nọi (Na Ngoi).... Và những kho tài nguyên ấy, hầu hết đều được du khách gần, xa biết đến thông qua sự quảng bá bằng công nghệ số, kết nối mạng internet.

Sông nước Kỳ Sơn qua những hình ảnh của Vi Khăm Môn.

Lan tỏa hương vị ẩm thực dân tộc

Đối với đồng bào các DTTS, ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu của cá nhân, cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày, các lễ hội truyền thống, mà còn là di sản văn hóa mang bản sắc, hương vị riêng của từng dân tộc. Ẩm thực đồng bào Thái, Mông, Khơ mú, Thổ… ngày càng được lan toả, quảng bá rộng rãi với bạn bè trong nước và thế giới thông qua mạng xã hội. Cùng với cảnh sắc, bản sắc văn hoá đặc trưng, ẩm thực độc đáo đã tạo nên “lực hút” để thúc đẩy du lịch vùng cao phát triển.

Ẩm thực đồng bào Thái ở Thanh Sơn, Thanh Chương được nhiều người biết đến nhờ các trang Facebook cá nhân

Nhiều năm nay, Vi Khăm Môn - một thanh niên năng động, đầy tâm huyết trong lĩnh vực phát triển du lịch bản địa (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) đã tích cực sử dụng Facebook để quảng bá, giới nét đặc sắc của dân tộc mình. Những nét đẹp cảnh quan thiên nhiên của vùng cao với thung lũng sương mù nhìn từ đỉnh Pu Nghiêng, mái nhà sa mu, thửa ruộng bậc thang thơ mộng, ... được anh thu vào ống kính, dàn dựng thành những chương trình trải nghiệm văn hóa rất thú vị và sinh động. 

Đặc biệt, văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái, Mông được bạn trẻ này lưu tâm hơn cả. Nhiều hình ảnh và video quay về cảnh đồng bào đi hái rau rừng, bắt cá, chế biến, nấu nướng các món ăn, cách khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ và thưởng thức ẩm thực sạch, nguyên bản của khách du lịch tại bản làng được nhiều người vào xem, chia sẻ và để lại những bình luận tích cực. Hình ảnh những món ăn đặc sắc, hấp dẫn như: gà nướng mắc khén, vũ nữ chân dài chui ống măng, cá suối lam ống nứa… hiện lên sinh động qua kênh Facebook, Zalo, Tiktok của Môn có sức cuốn hút kỳ lạ, khiến những ai “click” chuột vào xem đều không khỏi trầm trồ, có cảm giác bị kích thích và ao ước được một lần nếm thử. Và nhiều du khách, nội tỉnh có, ngoại tỉnh có và cả nước bạn Lào đã “vì tò mò”, vì bị “kích thích” khi xem video của Môn mà tìm đến Tà Cạ, đến Kỳ Sơn để trải nghiệm.

Anh Lang Văn Hiệp, chủ quán Đồng Minh - chuyên về ẩm thực Thái ở Châu Hạnh (Quỳ Châu) cũng là người khá dày công trong khâu quảng bá ẩm thực trên mạng xã hội. Theo đó, mỗi khi chế biến các món ăn, anh Lang Văn Hiệp quay các công đoạn từ hái nguyên liệu, sơ chế, chế biến, nấu, lên mâm… và đăng lên trang cá nhân, các hội nhóm, các trang về ẩm thực Thái Quỳ Châu. Ban đầu, quán chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, trong huyện hoặc các khách ở xuôi do người dân địa phương dẫn đến và công việc ở quán chỉ là “nghề tay trái”, chỉ làm món, phục vụ khi có khách đặt. Dần dà, qua các trang mạng xã hội, qua các phiên livestream của anh Hiệp được bạn bè, người thân chia sẻ, báo chí đã biết đến quán, và các bài viết quảng bá về ẩm thực Thái do anh chế biến được đăng tải, từ đó, du khách biết đến quán ẩm thực Thái Đồng Minh ngày càng nhiều. Mỗi đoàn khách khi lên với Quỳ Châu đều đến quán để thưởng thức ẩm thực Thái. Trong đó, có không ít người lên Quỳ Châu vì quá mê các món ăn của đồng bào Thái của anh Hiệp. Nhờ đó, quán ngày càng đông khách, phải mở rộng không gian, thuê thêm người làm. Đặc biệt, nhờ sức hút của ẩm thực đã góp phần tích cực quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Quỳ Châu.

Chế biến cá giàng ở nhà hàng Đồng Minh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết: “Ẩm thực dân tộc là loại hình văn hóa phi vật thể gắn bó chặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh của cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình nuôi trồng, khai thác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, sử dụng... việc quảng bá, phổ biến ẩm thực dân tộc qua mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật số để giá trị ẩm thực đi vào cuộc sống, lan tỏa trên “thế giới phẳng”, phục vụ mọi đối tượng, nhất là trong lĩnh vực hoạt động du lịch, đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng”.

Trong bối cảnh hội nhập, nhiều chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ chuyển đổi số, hòa mạng quốc tế đến với các ngành, các cấp các vùng miền trên cả nước. Mới đây nhất là Dự án ứng dụng công nghệ thông tin đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với số tiền trên 1.549 tỷ đồng. Tranh thủ lợi thế này, nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số đã khai thác hiệu quả mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá ẩm thực dân tộc, góp phần gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống của các dân tộc với bạn bè trong nước và thế giới. Đây cũng chính là cách để đồng bào khai thác lợi thế phát triển du lịch, thu hút du khách, tạo thêm sinh kế bền vững./.