Các đại biểu Quốc hội: Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội; Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Vi Văn Sơn – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh tại cuộc tiếp xúc cử tri xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ. Ảnh: MH
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 luật và nghị quyết
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội, ông Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội thông báo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/6/2023.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội thông báo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/6/2023. Ảnh: MH
Cụ thể, kỳ họp sẽ xem xét thông qua 8 luật và 2 nghị quyết. Bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Hai nghị quyết, gồm nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ và đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, các cử tri tham gia hội nghị. Ảnh: MH
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến 8 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi)… Kỳ họp cũng xem xét và quyết định nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An từ kỳ họp thứ 4 đến nay liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; hoạt động giám sát, khảo sát; công tác tiếp xúc cử tri; công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; hoạt động đối ngoại, an sinh xã hội.
Cử tri Trần Đức Huệ (xóm Tân Yên) kiến nghị, quá trình xây dựng phương án sáp nhập cần phải tính toán kỹ theo quy hoạch vùng. Ảnh: MH
Đề xuất 16 nội dung
Tại hội nghị, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, 13 cử tri đã phản ánh, kiến nghị 17 nội dung thuộc 6 nhóm vấn đề về kinh tế - xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành.
Một số cử tri bày tỏ đồng tình cao về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Trung ương đang triển khai, tuy nhiên cử tri Trần Đức Huệ (xóm Tân Yên) kiến nghị, quá trình xây dựng phương án sáp nhập cần phải tính toán kỹ và việc sáp nhập cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch vùng, phải được thực hiện trước, đảm bảo sự thuận lợi trong quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ máy.
Cử tri Hồ Thị Minh, xóm Tân Thái, phản ánh đất ở 23 năm nay của gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: MH
Cùng quan tâm đến vấn đề sáp nhập, cử tri Phạm Triệu Phú, xóm Tân Thái kiến nghị các cấp quan tâm quy hoạch, sắp xếp cán bộ gắn với cải thiện, nâng cao chế độ chính sách cho đội ngũ, đảm bảo xứng đáng với công việc của cán bộ sau sáp nhập.
Vấn đề được nhiều cử tri xã Tân Phú phản ánh và kiến nghị nhiều nhất liên quan đến việc thực hiện giao khoán; phương án chuyển đổi đất thu hồi nông trường giao cho người dân gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn nhiều tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc trong Nhân dân.
Đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ tiếp thu, giải trình một số vấn đề cử tri phản ánh, đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện. Ảnh: MH
Cử tri Hồ Thị Minh, xóm Tân Thái, phản ánh đất ở của gia đình mình ở ổn định 23 năm nay, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vì vậy đề nghị các cấp giải quyết, đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất.
Một số cử tri cũng đề xuất các cấp quan tâm chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; tăng cường đưa các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng về cơ sở; thực hiện chính sách tinh giản biên chế; chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện quy tập, di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương…
Đại biểu Vi Văn Sơn – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh MH
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Tân Kỳ, xã Tân Phú đã tiếp thu, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Vi Văn Sơn – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh đã ghi nhận, tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị, phản ánh chính đáng của cử tri; đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp chuyển đến các cấp, các ngành giải quyết.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về phương án sản xuất, phương án quản lý, sử dụng đất của Công ty CP nông nghiệp Sông Con, đại biểu Vi Văn Sơn khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Mai Hoa