Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tại phiên thảo luận có 12 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; đa số các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: các chỉ tiêu cụ thể trong từng dự án thành phần; công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực; chính sách đãi ngộ cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc phân cấp cho địa phương trong bố trí nguồn lực; xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài; phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc; giải pháp để thực hiện Chương trình; rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng của Chương trình; sự thống nhất về nội dung thành phần; sử dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong phát triển văn hóa; nguồn vốn để phát triển văn hóa; xác định tỷ lệ vốn của địa phương; … Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Trước đó, với tư cách là Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, GS.TS. Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia ý kiến thẩm tra dự thảo này đã nêu một số quan điểm về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Theo đó, cùng với việc đồng tình và thống nhất cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, để Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sớm được hoàn thiện và có tính khả thi cao, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa, bổ sung một số vấn đề sau:

Cách tiếp cận xây dựng chương trình

Theo đại biểu, xây dựng Chương trình nên theo hướng quán triệt sâu sắc tiếp cận hệ thống và tiếp cận lịch sử; đảm bảo tính hệ thống của lát cắt cả chiều dọc, chiều ngang và độ sâu sắc của giá trị văn hóa dân tộc; từ đó xây dựng mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và nội dung thành phần của chương trình mới, đảm bảo tính hệ thống, tính logic, tính hiệu quả, tính khả thi, tính thực tiễn; đồng thời đầu tư mới đúng trọng tâm, trọng điểm và phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam hiệu quả.

Về mục tiêu tổng quát

Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh về mục tiêu tổng quát theo quan điểm và cách tiếp cận của Ban soạn thảo bởi thực tế chương trình chúng ta xây dựng đang thực hiện hệ thống “tam hóa” trong văn hóa Việt Nam. Thứ nhất, đó là hiện đại hóa văn hóa Việt Nam (từ truyền thống đến hiện đại); thứ hai là Quốc tế hóa giá trị văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế; thứ ba là Việt Nam hóa tinh hoa văn hóa nhân loại cho phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc ta. Theo đó, đại biểu đã nhận định trong dự thảo còn có một số nội dung về Mục tiêu tổng quát chưa rõ ý, chưa đảm bảo tính logic cần được chỉnh sửa theo hệ thống “Tam hóa” văn hóa Việt Nam đã trình bày ở trên. Đồng thời, việc xây dựng mục tiêu cụ thể nên đảm bảo tính logic và cụ thể hóa trên cơ sở mục tiêu tổng quát; nghiên cứu làm rõ chỉ tiêu triển khai ở Mục tiêu 1.

ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) thảo luận tại tổ

Cũng theo nhận định của đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành, các mục tiêu 2, 4, 5, 6, 9 khó khả thi, cần có giải pháp chi tiết, cụ thể gắn với lộ trình. Riêng mục tiêu 9 nên bổ sung chỉ tiêu (Nguồn lực) các địa phương giao lưu văn hóa quốc tế, phù hợp với quan hệ, tiềm lực, truyền thống văn hóa, bản sắc, hệ giá trị, …nhằm tăng cường, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với đó, đại biểu đề nghị khi xây dựng mục tiêu cụ thể (9 mục tiêu) như dự thảo cần nêu rõ chỉ số % để minh chứng cho tính khả thi (trang phụ lục): Nội dung mục tiêu, phương thức thực hiện, năng lực của chủ thể và điều kiện của người thụ hưởng, nguồn lực, thời gian, môi trường triển khai… Đặc biệt, nên quan tâm hơn đến văn hóa số, phát triển, quản lý văn hóa số trong kỷ nguyên số, kinh tế số, xã hội số. 

Đồng tình với việc xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và ban hành cơ chế đặc thù cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Về hai cơ chế này, GS.TS Thái Văn Thành cho rằng đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần được thực hiện “thí điểm”  trong thời hạn từ 3 đến 5 năm để có tổng kết đúc rút kinh nghiệm thực tiễn cho giai đoạn tiếp theo được đồng bộ, có tính khả thi cao, tránh lãng phí. Đối với cơ chế đặc thù, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xây dựng các tiêu chí để có cơ sở áp dụng thực hiện tốt hơn.

Các ý kiến của GS.TS Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã được Ban soạn thảo và Ban thẩm tra Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội./.