bna-z3447007657414-0642479e09783d500dd5a01c07500a20-4618.jpg
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 27/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Sau khi khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đoàn Nghệ An Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá: Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã tiếp thu phần lớn các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước.

bna-z3446586030853-645c04ea0219e639898b78984cadbeb1-8325.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên làm việc. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu nêu một số vấn đề đến một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Đại biểu nhận định, từ thực tiễn trong thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều cải thiện về thủ tục hành chính nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại trong việc thực hiện các thủ tục này.

Theo Báo cáo của về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 của VCCI thì tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính đã tăng từ 22% trong năm 2020 lên 26% trong năm 2021.

bna-z3446584888666-b95cdb6f022c8351aeb76c29cd8da337-5017.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: Quang Khánh

“Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nói và đề nghị để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần công khai, minh bạch trong việc thực hiện thủ tục hành chính ngay từ trong các quy định của các đạo luật do Quốc hội ban hành, cần quy định rõ trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về thời hạn thực hiện đối với các thủ tục hành chính, nhất là thời hạn mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải trả lời cho doanh nghiệp.

Đại biểu nêu dẫn chứng, quy định tại Khoản 1, Điều 91 yêu cầu việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ được tiến hành sau khi đã được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản; tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định rõ trong thời gian bao lâu kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp thì Bộ Tài chính phải trả lời.

Còn quy định tại Khoản 3, Điều 109 yêu cầu trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng tiền ký quỹ để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi khả năng thanh toán bị thiếu hụt thì phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản; tuy nhiên, dự thảo Luật cũng không quy định rõ trong thời hạn bao lâu thì Bộ Tài chính phải chấp thuận và mốc thời gian tính từ lúc nào?

“Do vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại để chỉnh lý, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.

bna-z3446654782499-b63b40d0c13030abed7b304ea15da8b0-1844--n1.jpg
Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc chiều 27/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Cùng với đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm là cần thiết; song cần cân nhắc kỹ 2 vấn đề.

Trước hết là cần làm rõ mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu này. Hiện nay, dự thảo quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm 3 mục tiêu: Phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước; phục vụ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần cân nhắc kỹ mục tiêu phục vụ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bởi vì để phục vụ mục tiêu này thì các doanh nghiệp được truy cập và sử dụng thông tin ở cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, nếu cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được truy cập và sử dụng các dữ liệu này thì sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm thông tin cá nhân của những người tham gia bảo hiểm do thông thường họ chỉ đồng ý cung cấp thông tin cho một doanh nghiệp chứ không phải cho tất cả các doanh nghiệp khác.

“Hơn nữa, việc cho phép một doanh nghiệp được sử dụng thông tin do doanh nghiệp khác thu thập cũng là điều không hợp lý”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích.

dai-bieu-hoang-minh-hieu-phat-bieu-thao-luan-ve-du-an-luat-kinh-doanh-bao-hiem-sua-doi-anh-quochoi-vn-6293.jpg
Đại biểu Đoàn Nghệ An Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo đại biểu, cần làm rõ về thẩm quyền thu thập dữ liệu. Khoản 2, Điều 11 của dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức kinh doanh bảo hiểm sẽ cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông Hoàng Minh Hiếu, quy định này chưa thống nhất với quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, “việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý”.

Vì vậy, để bảo đảm tôn trọng quyền công dân đối với thông tin cá nhân theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ tại khoản 2 nguyên tắc: “Các thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp và cập nhật vào cơ sở dữ liệu phải không mang tính định danh cá nhân”.

Trên cơ sở phân tích trên, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ để có quy định phù hợp; đồng thời góp ý một số nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp đề nghị rà soát, chỉnh lý lại một cách kỹ càng để bảo đảm các quy định của luật dễ hiểu, dễ tiếp cận.

bna-z3447007279008-3acf6b7b81f84185d45113681f54c6f9-9864.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng thống nhất, đồng bộ việc thực hiện pháp luật, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Qua 21 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.

bna-z3446099337436-17202696989763ca97be55d148dba709-5212.jpg
Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 27/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Trước đó, vào đầu phiên làm việc chiều 27/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án trên.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án này. Sau đó, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thành Duy - Phan Hậu