Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tiến hành thảo luận tổ
Dự phiên thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đoàn Quảng Ngãi.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành phiên thảo luận.
Nội dung thảo luận tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Phát biểu thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý chia sẻ, từ thực tiễn hoạt động ở địa phương là hiện nay xuất hiện những vướng mắc, tồn đọng của các dự án đầu tư thuộc diện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc.
Theo đó, mặc dù cơ bản đã được kiểm điểm, xử lý các vi phạm nhưng vẫn rất khó khăn về các cơ chế giải quyết các vấn đề cho nên dẫn đến lãng phí đầu tư của Nhà nước, của xã hội.
Cho biết, Bộ Chính trị đã có Kết luận 77 cho phép 5 địa phương làm thí điểm rà soát lại tất cả các chương trình, dự án trên địa bàn khó khăn vướng mắc đang tồn đọng để báo cáo phương án để Trung ương cho chỉ đạo, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhìn nhận, đây là chủ trương rất sát, đúng với thực tế và mong muốn sớm được tổng kết, nghiên cứu cho phép các địa phương trên cả nước thống kê, rà soát, đề xuất các giải pháp giải quyết các tồn đọng ở địa phương để triển khai các dự án đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nhà nước và đầu tư ngoài xã hội.
Về đầu tư công, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: Theo luật hiện hành, Quốc hội khóa mới (từ khóa XVI) sẽ quyết định chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; mà kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới sẽ diễn ra dự kiến vào tháng 7/2026. Điều này xảy ra bất cập là gần như trong năm 2026 sẽ không giao vốn đầu tư công của giai đoạn mới; đồng thời việc triển khai các thủ tục đầu tư công cũng sẽ kéo dài sang năm 2027 mới thực hiện được. Điều này dẫn đến thực tế là có khoảng vênh về thời gian trong bố trí vốn đầu tư công. Do đó, đại biểu kiến nghị nghiên cứu xem xét sửa luật cho phép Quốc hội khóa trước quyết định đầu tư công của khóa sau để đưa được nguồn lực đầu tư công vào thực hiện trong năm 2026 và cả giai đoạn.
Tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng chia sẻ kinh nghiệm của việc triển khai nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đường dây 500kV mạch 3 vừa qua, trong đó kinh nghiệm rất quan trọng đó chính là cam kết chính trị của Trung ương tạo niềm tin, động lực để cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó có ở tỉnh vào cuộc vì lợi ích chung quốc gia.
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân lực của khu vực công; qua đó kiến nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề này, dành nguồn lực để xây dựng thể chế, chăm lo cán bộ, công chức những người xây dựng thể chế.
Đại biểu cũng đề nghị, đoàn giám sát của Quốc hội thời gian tới về nguồn nhân lực chất lượng cao thì nên có một phần đánh giá rất cụ thể về chế độ, chính sách; việc xây dựng chính sách đối với nhân lực khu vực công để tìm được thực trạng, tồn tại, hạn chế để hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp luật để xây dựng nguồn nhân lực khu vực công tốt hơn.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị, tiếp tục nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, trong đó có vấn đề trả lương theo vị trí việc làm để khuyến khích nhân lực có năng lực tham gia khu vực công.
Đại biểu Phạm Phú Bình - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị trong báo cáo đánh giá về kinh tế, xã hội, đặc biệt là dự báo thời gian tới cần phân tích rõ hơn bối cảnh thế giới; quan tâm chất lượng các công trình giao thông mới, bảo trì các công trình cũ; việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng; vai trò và độ chính xác về dự báo tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá đầy đủ hơn về định hướng chiến lược phát triển trong năm 2025 và thời giai tới; đặc biệt là chiến lược phát triển công nghệ sinh học vì không thấy trong báo cáo đề cập trong khi đã có nghị quyết của Trung ương về vấn đề này vào năm 2023.
Còn Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An, nêu lên loạt vấn đề cần quan tâm để có giải pháp như: Nhu cầu trong tiêu dùng, giải ngân vốn đầu tư công; doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn so với doanh nghiệp mới thành lập; thị trường bất động sản có xu hướng phục hồi nhưng có hiện tượng “kích giá, đầu cơ”; xu hướng già hóa dân số nhanh.
Đại biểu Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng phân tích về thực trạng, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; mà trong đó có nguyên nhân chủ quan khá phổ biến là sợ sai, sợ vi phạm pháp luật nên rất nhiều nội dung liên quan xin ý kiến.
Để tháo gỡ, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng sửa kịp thời Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; hướng dẫn cụ thể triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cho phép kéo dài giải ngân nguồn vốn đến ngày 31/12/2025; đồng thời đề nghị khi xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030 không phân bổ chi tiết theo dự án, tiểu dự án, mà phân bổ để tạo sự chủ động cho địa phương.