Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về sửa đổi Luật Đầu tư công
Phát biểu thảo luận, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An nhất trí với đề xuất phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C từ HĐND các cấp cho UBND các cấp và cho rằng, quy định này là rất cần thiết, nhất là khi chúng ta đang chuyển đổi tư duy, phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý kiến tạo phát triển”.
Bởi vì đây là các dự án đã nằm trong danh mục các dự án đầu tư công trung hạn hoặc hàng năm đã được HĐND thông qua, việc HĐND tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư đối với từng dự án theo đại biểu chỉ là vấn đề thủ tục.
Do đó, việc phân cấp này sẽ tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, sớm đưa dự án vào triển khai.
Đặc biệt, theo đại biểu, khi phân cấp quyết định chủ trương dự án từ HĐND cho UBND, là đã tạo điều kiện cho UBND chủ động trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, ví dụ như trong điều chỉnh chủ trương đầu tư, phù hợp với điều kiện thực tế và quan điểm "đẩy mạnh phân cấp, phân quyền" với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
“Theo tôi, trong trường hợp này, HĐND cần tăng cường công tác giám sát theo quy định của pháp luật đối với các dự án này là phù hợp”, đại biểu Trần Nhật Minh nêu quan điểm.
Mặt khác, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định hạn mức chuyển tiếp cho những dự án thực hiện sang giai đoạn sau là 20% là căn cứ pháp lý để quyết định chủ trương đầu tư các dự án chuyển tiếp qua 2 kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện để sớm bố trí vốn cho các dự án ngay trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua ở một số địa phương cũng cho thấy hạn mức 20% là không đủ để quyết định chủ trương đầu tư các dự án quy mô lớn, có phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau lớn nhưng cần bố trí vốn ngay trong giai đoạn này.
Một số ý kiến cũng cho rằng nên bỏ hạn mức 20%, tức là mở ra để địa phương phê duyệt dự án theo nhu cầu. Tuy nhiên, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng quy định của pháp luật phải vừa kiến tạo cho phát triển nhưng cũng phải vừa bảo đảm yêu cầu về quản lý, tránh nới lỏng quá mức dẫn đến tuỳ tiện, tràn lan, không bảo đảm nguồn lực.
Do đó, ông bày tỏ ủng hộ đề xuất của Chính phủ trong sửa Luật Đầu tư công lần này là nâng hạn mức chuyển tiếp cho các dự án thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp từ 20% lên 50% kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Như vậy, một mặt vẫn giữ nguyên hạn mức 20% để bảo đảm khả năng cân đối, không dùng hết vốn của giai đoạn sau, nhưng mặt khác cũng cho phép linh động lên đến 50% trong những trường hợp thực sự cần thiết, có sự cho phép của cấp có thẩm quyền, tạo cơ sở để phê duyệt, bảo đảm tính sẵn sàng của các dự án”, đại biểu Trần Nhật Minh nhận định.
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất các quy định về nợ đọng xây dựng cơ bản và bố trí trả nợ trong dự thảo Luật để tránh bất cập, mâu thuẫn.
Thành Duy - Phan Hậu