Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về sửa đổi Luật Đầu tư công
Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành.
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện trở lên đang đề xuất UBND các cấp có liên quan có trách nhiệm thống nhất phương án giao 1 UBND của 1 trong 2 đơn vị hành chính làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và báo cáo HĐND cùng cấp thông qua chủ trương.
Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định báo cáo HĐND thông qua là HĐND của đơn vị hành chính nào (đơn vị có UBND làm chủ quản thực hiện dự án hay của đơn vị còn lại) để tránh vướng mắc khi thực hiện.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng cho rằng, trong dự thảo Luật chưa tính đến phương án trường địa phương 2 địa phương không thống nhất được với nhau thì cơ quan nào xử lý; đây là vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung.
Theo quy định đang được đề xuất trong dự thảo luật về trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước thì tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội khóa trước, Chính phủ trình Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Như vậy, theo đại biểu Trần Nhật Minh, các dự án trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên ông đề xuất bổ sung dự án khởi công mới trong năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn vào nhóm không phải có kế hoạch trong đầu tư công trung hạn.
Cũng liên quan đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật đề xuất bỏ yêu cầu thẩm định nguồn vốn; trong khi đây vốn là “linh hồn của Luật Đầu tư công 2014” giúp xử lý tình trạng cấp chủ trương đầu tư nhiều nhưng không bố trí được đầy đủ, phân bố manh mún nguồn vốn gây lãng phí đã diễn ra trước năm 2014.
Cùng với đó, đại biểu cũng chỉ ra một loạt các vướng mắc đối với đầu tư công hiện nay như: Thực hiện và giải ngân vốn, phân bổ kế hoạch vốn chậm; có kế hoạch vốn nhưng thủ tục các dự án chưa xong; bố trí vốn cho những dự án không đủ khả năng thực hiện; liên tục phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn bao gồm cả trung hạn và hàng năm; nguồn vốn tăng thu hàng năm cũng rất chậm được phân bổ, mà nguyên nhân của các hạn chế trên cơ bản là do vấn đề về công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt.
Cho rằng sửa đổi trong Luật Đầu tư công hiện hành phải giải quyết các vướng mắc trên, tuy vậy đại biểu Nguyễn Vân Chi bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật chưa có những nội dung để giải quyết vấn đề then chốt đó.
Vì vậy, đại biểu cho rằng nên cân nhắc việc sửa đổi tổng theo Luật Đầu tư công hiện hành theo quy trình thông qua trong một kỳ họp, mà có thể chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều đã đánh giá rõ tác động chính sách.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Vân Chi và Trần Nhật Minh cũng nêu ý kiến về các nội dung khác tại dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Thành Duy - Phan Hậu