bna_544e3e32d00b6855311a.jpg
Quang cảnh phiên làm việc ngày 30/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Phát biểu thảo luận, đối với trường hợp được miễn cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An Trần Nhật Minh cho rằng, quy định đối tượng là “tàu bay không người lái, phương tiện bay khác hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, phạm vi hoạt động trong tầm nhìn trực quan bằng mắt thường...”, vẫn chưa rõ ràng.

Bởi theo đại biểu, tầm nhìn trực quan bằng mắt thường mỗi người đều khác nhau, phụ thuộc vào thị lực của từng người. Do đó, để có cơ sở khoa học, đại biểu đề nghị cần xác định tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường có khoảng cách trung bình là bao nhiêu để quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn nội dung này.

bna_bd3f773eba0702595b16.jpg
ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An Trần Nhật Minh phát biểu. Ảnh: Nam An

Về nội dung quản lý Nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, dự thảo Luật quy định việc “đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vi phạm về nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác”.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong dự thảo Luật chưa quy định về thẩm quyền nêu trên thuộc cơ quan nào; qua đó đề nghị cơ quan soạn nghiên cứu, bổ sung theo hướng, cơ quan nào có quyền cấp phép thì cơ quan đó có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép.

Tương tự, dự thảo Luật cũng quy định “thu hồi giấy phép điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay khác". Tuy nhiên, lại chỉ quy định thẩm quyền về đình chỉ bay, tạm giữ, áp chế bay mà không quy định thẩm quyền thu hồi giấy phép.

“Các trường hợp có giấy phép khi bị đình chỉ bay, tạm giữ, áp chế bay có đồng thời bị thu hồi giấy phép điều khiển tàu bay hay không? Nếu bị thu hồi giấy phép thì cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi”, ông Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ.

Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, dự thảo Luật quy định: HĐND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phê duyệt đề án, dự án về phòng không nhân dân. UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng không nhân dân và có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền đề án, dự án, kế hoạch về phòng không nhân dân.

bna_8f799c45657ddd23846c.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: Nam An

Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nghiên cứu tính phù hợp của quy định này đối với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND cấp xã vì theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND, UBND cấp xã không có thẩm quyền “quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh” như chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện; trong khi phòng không nhân dân là nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

“Mặt khác, với khả năng và nguồn lực của chính quyền cấp xã như hiện nay thì việc dự thảo Luật quy định giao HĐND cấp xã, thực hiện nhiệm vụ “phê duyệt đề án, dự án về phòng không nhân dân” là khó khả thi”, đại biểu Trần Nhật Minh nêu quan điểm.

Thành Duy - Phan Hậu