Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Đoàn ĐBQH Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn dự họp.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội chuyên trách đoàn Nghệ An Trần Nhật Minh cho biết: Qua tiếp xúc với cử tri là cán bộ công đoàn cơ sở về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở như luật hiện hành là hết sức bất cập, còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, có số lượng công nhân đông.
Vì thực tế, việc các cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng 12 giờ hay 24 giờ làm việc mỗi tháng để làm công tác công đoàn như hiện nay đã là hết sức hạn chế, trong khi việc thỏa thuận với người sử dụng lao động để có thêm thời gian hoạt động công đoàn cũng hết sức khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có đông người lao động cần có nhiều thời gian để hoạt động công đoàn.
Do vậy, để giải quyết bất cập này, theo đại biểu, không nên quy định cụ thể số lượng thời gian như dự thảo luật, mà chỉ cần quy định nguyên tắc chung: "Cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn".
Đồng thời, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, Quốc hội nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở theo quy mô của từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp theo hướng như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 là hợp lý; song nên nghiên cứu quy định số lượng, thời gian phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đồng tình với ý kiến thảo luận của đại biểu trước đó tại Hội trường là luật cần quy định: “Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến bằng văn bản của ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp. ...”.
Bởi vì, như dự thảo luật quy định thì các ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động trả lương, do đó, nếu quy định như dự thảo luật sẽ dễ xảy ra trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu hoặc ép buộc ban chấp hành công đoàn cơ sở đồng ý thỏa thuận, gây thiệt thòi cho cán bộ công đoàn cơ sở bị sa thải, thôi việc… từ đó, dẫn đến tâm lý cán bộ công đoàn không dám đấu tranh vì người lao động.
“Theo tôi, việc bổ sung quy định phải có ý kiến bằng văn bản của ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công đoàn cơ sở”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Ông Trần Nhật Minh cũng nhìn nhận, quy định trong dự thảo luật chưa rõ công đoàn cấp nào có trách nhiệm bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở khi bị chấm dứt hợp đồng và đề nghị cần làm rõ quy định về vấn đề này.
“Theo tôi, nội dung này nên quy định trách nhiệm cho tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở, và sửa đổi lại như sau: “Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì công đoàn cấp trên cơ sở đại diện khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công đoàn”, đại biểu Trần Nhật Minh góp ý.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của ĐBQH đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% khi cho rằng, tiếp tục luật hóa quy định này là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động; trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Đồng thời, ông cũng đánh giá, dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm hơn, tuy nhiên, khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ, bảo vệ và duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở khi thuộc trường hợp tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí.
Cũng trong chương trình làm việc sáng 23/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.