Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An nêu ý kiến về quy định với người có ảnh hưởng khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm trên mạng xã hội
Chiều 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ngãi. Dự thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu đoàn Quảng Ngãi.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An nêu một số ý kiến liên quan đến các quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Ông Minh cho rằng, trong dự thảo luật, chưa quy định quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, mà nội dung mới chỉ đề cập đến nghĩa vụ, do đó đề nghị cần bổ sung.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị dự thảo Luật quy định rõ hoặc giao rõ cho bộ quản lý lĩnh vực này, quy định cụ thể hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Ông cũng cho rằng, phải làm rõ giải pháp để xác định hành vi luật yêu cầu đối với người chuyển tải sản phẩm là “khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”. Bởi nếu không quy định cụ thể sẽ khó phát hiện và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị quy định một số nội dung về khái niệm về hình thức nhằm phân đích rõ mục đích quảng cáo hay không quảng cáo.
Liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy của Chính phủ giai đoạn 2021-2025; từ đó có bức tranh toàn diện hơn, làm cơ sở để xây dựng mục tiêu tổng quát, cụ thể đến năm 2030.
Đại biểu cũng nghị cân nhắc nâng cao một số chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 như: Số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm; số trạm y tế cấp xã toàn quốc đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Tổng nguồn vốn được Chính phủ đề xuất bố trí Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hơn 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm phần lớn (78,96%). Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, cơ cấu này là phù hợp, đảm bảo để thực hiện; giảm áp lực cho những tỉnh còn khó khăn về ngân sách địa phương không có điều kiện bố trí nguồn vốn nhiều cho chương trình.
Liên quan đến các dự án được đề xuất trong Chương trình, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bên cạnh hỗ trợ cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy của lực lượng Công an, Hải quan thì nên nghiên cứu hỗ trợ thêm đối với hoạt động phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, lực lượng có vai trò rất quan trọng đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới.
Về dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy, đại biểu Thái Thị An Chung nêu quan điểm nên rà soát lại các chương trình, dự án đang triển khai trên lĩnh vực này phục vụ phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm về ma túy để lồng ghép vào thì hợp lý hơn.
Ngoài ra, Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy cũng đề xuất triển khai Dự án nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở. Vị đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ đồng tình với một số ý kiến tại thảo luận tổ là hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đều đã có các tiểu dự án liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó có mục tiêu phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; do đó đề nghị nên rà soát, lồng ghép bố trí nguồn lực, tránh chồng chéo.
Đồng tình với việc ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An nêu nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo; đặc biệt ông đề nghị phải giao mục tiêu cụ thể cho các lực lượng, chính quyền địa phương các cấp; có hình thức quy trách nhiệm người đứng đầu nếu không đạt mục tiêu khi mà Nhà nước đã đầu tư nguồn lực để thực hiện.
Còn đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh nhằm đảm bảo đúng với nội hàm của Luật; quy định rõ hơn về điều khoản áp dụng; quy định chính sách phát triển công nghiệp hóa chất phải tầm quốc gia; liệt kê tất cả các hành vi bị nghiêm cấm; quy định rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng…