Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành.

250620240903-z5571295709563_0dcb410ab27799869a45d70861fafe9b.jpeg
Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 25/6. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu thảo luận, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật các quy định về chức danh trợ lý công chứng viên.

Theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, hiện nay trợ lý công chứng viên đang là thành phần không thể thiếu trong các tổ chức hành nghề công chứng và đang thực hiện một khối lượng công việc khá lớn trong các tổ chức này.

“Theo một báo cáo nghiên cứu gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có những công chứng viên thực hiện công chứng trung bình khoảng 242 hợp đồng trong một ngày. Cũng theo nghiên cứu này thì mỗi công chứng viên nếu nỗ lực tối đa thì mỗi ngày không thể thực hiện được quá 8 hợp đồng. Điều đó cho thấy để hoàn thành được khối lượng công việc lớn như vậy, các công chứng viên đang cần có sự hỗ trợ rất lớn của các trợ lý, cả về nội dung và hình thức trong hoạt động công chứng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích.

250620240825-z5571168949546_9ae0fa2db9b67e7afe5d82d62d453d33.jpeg
Đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, hoạt động của trợ lý công chứng viên đang có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên có liên quan trong hoạt động công chứng.

Bởi thực tế hiện nay, trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ ký kết giao dịch, sắp xếp, tổ chức việc ký kết giao dịch, cập nhật hồ sơ, dữ liệu…

Với phạm vi xử lý công việc lớn như vậy, hoạt động của trợ lý công chứng viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hoạt động công chứng, cũng như trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng có quan liên, nhất là trong việc bảo mật thông tin.

Do vậy, theo đại biểu, nếu không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ thì không có cơ sở để các trợ lý công chứng viên có tư cách giao tiếp, xử lý công việc; cũng như không rõ các nghĩa vụ cụ thể để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Qua tham khảo kinh nghiệm của pháp luật các nước như Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc... đều có quy định về quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên.

“Từ những lý do trên, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung thêm quy định về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên trong dự thảo luật”, đại biểu phát biểu.

250620240807-z5571184080731_fc8d203c954a1e0b2f6e7dcd1800fc6d.jpeg
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, ông Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần bổ sung các quy định về việc sử dụng các văn bản điện tử, văn bản được số hoá trong hoạt động công chứng.

Dự thảo Luật hiện hành đã dành Mục 3, Chương V với 3 điều, để quy định về công chứng điện tử. Tuy nhiên, công chứng điện tử được đề cập ở mục này chủ yếu là quy định về việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử, nhưng chưa đề cập đến việc sử dụng các văn bản điện tử, văn bản được số hoá trong hoạt động công chứng.

Trong khi, văn bản điện tử, văn bản được số hoá hiện nay ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt hiện nay, với những thành công của Đề án 06 đang có rất nhiều loại giấy tờ điện tử được áp dụng trong các giao dịch kinh tế, xã hội hàng ngày.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, dự thảo Luật chưa làm rõ công chứng điện tử có chấp nhận loại hình thức giấy tờ điện tử này không; chưa có quy định cụ thể về việc công nhận và sử dụng tài liệu điện tử làm căn cứ công chứng; chưa có quy định cho phép sao y nội dung từ bản điện tử sang bản giấy và ngược lại.

Cho nên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để có những giải pháp tổng thể về việc sử dụng các văn bản điện tử, văn bản được số hoá trong hoạt động công.

Vấn đề thứ 3 mà vị đại biểu đoàn Nghệ An đề cập là hoàn thiện các quy định về cơ sở dữ liệu công chứng.

Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 đang quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo mô hình phân tán và đến nay, sau 8 năm thi hành luật thì đã có 58/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành nội dung này.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Hiếu nhận định: Thực tiễn vừa qua cho thấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu phân tán có những hạn chế nhất định. Mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn một nền tảng công nghệ khác nhau, tiêu chuẩn thiết kế, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, chưa có sự kết nối nên không phát huy được hiệu quả.

Vì vậy, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với quy định tại Điều 63 của dự thảo Luật về việc cơ sở dữ liệu công chứng được xây dựng đồng bộ, thống nhất; được quản lý tập trung và được phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện nay chưa làm rõ về mối quan hệ, sự kế thừa giữa cơ sở dữ liệu công chứng dự kiến được xây dựng theo quy định của dự thảo luật và cơ sở dữ liệu hiện có theo quy định của Luật Công chứng năm 2014. Đồng thời, chưa làm rõ trong thời gian khi Luật Công chứng 2024 này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu công chứng tập trung, thì việc duy trì và giá trị của các dữ liệu hiện có ở 58 cơ sở dữ liệu phân tán được xử lý như thế nào.

“Chúng tôi cho rằng cần có quy định cụ thể về vấn đề này trong phần các quy định chuyển tiếp của dự thảo luật và trong trường hợp cần thiết cần quy định rõ thời hạn phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo mô hình tập trung, tránh kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc triển khai các quy định có liên quan của dự thảo luật”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu góp ý.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Thành Duy - Phan Hậu