Sáng 13/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

bna_f608b42ce955520b0b44.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 13/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (Ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

bna_64ae27cfa5b11eef47a0.jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc ở Hội trường Diên Hồng sáng 13/10. Ảnh: Nam An

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Bộ Giao thông vận tải đánh giá đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024. Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện dự án.

bna_0b5bdc1c7966c2389b77.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Sau khi nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ngãi.

Phát biểu ý kiến, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị nghiên cứu thật kỹ chọn cách thức đầu tư để hạn chế tối đa nhất lãng phí quỹ đất; đồng thời, giải quyết hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế khác.

bna_0e4f1ff1ba8b01d5589a.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, Chính phủ nghiên cứu để tránh tối đa lệ thuộc công nghệ của nước ngoài. “Nên theo hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiến tới nước ta chủ động về công nghệ. Coi đây là mục tiêu để đàm phán”, Thiếu tướng Trần Đức Thuận nêu quan điểm.

Đặc biệt, theo Tờ trình của Chính phủ, dự án đề xuất bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng; tuy nhiên, ông cho rằng, khoảng cách từ Ga Thanh Hóa đến Ga Vinh còn xa, khoảng 140 km, cho nên đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm 1 ga ở khu vực thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) hoặc Nghi Sơn (Thanh Hóa). Bởi Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh có dân số đông thuộc tốp đầu của cả nước, nhu cầu đi lại cao. Mặt khác, thị xã Hoàng Mai và Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng là trung tâm phát triển của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

bna_87ea29078c7d37236e6c.jpg
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Cũng liên quan đến chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ đồng tình, cho rằng đây là thời điểm phù hợp để thực hiện.

Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình thấu đáo hơn nữa về tổng mức đầu từ, mức dư nợ công quốc gia khi thực hiện dự án, gắn với dự báo mức độ rủi ro cho nền kinh tế để có giải pháp phòng ngừa đi kèm; làm rõ hơn như chi phí vận hành, trong đó có chi phí cho nguồn điện; về tải trọng/trục…

bna_b345258b80f13baf62e0.jpg
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đồng tình với ý kiến của Thiếu tướng Trần Đức Thuận là cần tính toán bố trí ga hợp lý để phát triển các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế và quan trọng nhất là các chính sách chuyển giao công nghệ để sau khi thực hiện dự án thúc đẩy công nghệ đường sắt nước ta phát triển.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất để thực hiện dự án, trong đó có chuyển một số thẩm quyền của Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm là cần phân biệt rõ nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan dân cử, của cơ quan hành chính để cân nhắc điều chuyển hợp lý; vì về nguyên lý vấn đề gì liên quan đến lợi ích của rất nhiều người, cộng đồng dân cư phải đưa ra thảo luận ở Quốc hội, tức là cơ quan dân cử.

bna_54051ef9bb8300dd5992.jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Cũng trong chương trình làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; cũng như tiến hành thảo luận tại tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Thành Duy - Thúy Vinh