Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề xuất 3 giải pháp kiểm soát tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh
Chiều 29/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.
Theo chương trình, Quốc hội dành 1 ngày thảo luận ở hội trường về 3 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024. Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Phát biểu thảo luận về bình đẳng giới, đại biểu đoàn Nghệ An Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nêu những trăn trở về thực hiện mục tiêu tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh.
Bởi theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam là 112 bé trai/100 bé gái. Tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh đã được khống chế nhưng chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên.
“Tôi đồng tình với đánh giá trên và theo tôi nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nói và dẫn thực tế hệ lụy tại một số quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc vì chênh lệch giới tính.
Ví dụ như theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tại nước này là 121 bé trai/100 bé gái. Vấn đề này kéo dài đã dẫn đến số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới 34 triệu người.
Điều này phát sinh các tệ nạn xã hội, trong đó có nạn mua bán phụ nữ và Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Bộ Công an về tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, trong giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, 90% là bán sang Trung Quốc; 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em; 80% bị cưỡng bức kết hôn, bị bóc lột tình dục.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, đối với Việt Nam, chênh lệch giới tính khi sinh có những đặc điểm riêng, ở ngay lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh thứ 2, 3, thứ 4 lên tới 120 đến 148 bé trai/100 bé gái.
“Từ năm 2000 đến năm 2020 ước tính có khoảng 638.000 bé gái không được sinh ra. Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thứ 3 khu vực, sau Ấn Độ và Trung Quốc”, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền trăn trở và thêm rằng, theo Tổng cục Thống kê, nếu vấn đề này không được kiểm soát hiệu quả, dự báo Việt Nam sẽ có số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới là 1,5 triệu người vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Tình trạng này càng trở nên phức tạp khi việc lạm dụng các kỹ thuật về siêu âm, xét nghiệm nước ối, lựa chọn giới tính khi cấy phôi để loại bỏ bé gái có chủ ý.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề như: Sự thiếu hụt lao động nữ trong những ngành nghề phù hợp; tăng tình trạng độc thân không tự nguyện đối với nam giới; người già độc thân, tăng gánh nặng cho an sinh xã hội; phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống; áp lực đối với phụ nữ khi phải sinh được con trai, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần; gia tăng các tệ nạn xã hội như: xâm hại tình dục, bóc lột trên cơ sở giới, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mua bán người.
Để kiểm soát tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, Việt Nam đã có nhiều giải pháp từ sớm, như Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.
Tuy nhiên, đánh giá việc thực hiện các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khó đạt được những mục tiêu đề ra. Vì vậy, theo đại biểu cần nhận diện bình đẳng giới một cách thực chất hơn nữa.
“Chênh lệch giới tính khi sinh tăng cao là biểu hiện rõ nhất của bất bình đẳng giới xuất phát từ trong suy nghĩ, tư tưởng, từ gốc rễ sâu xa của nhận thức đã ăn sâu trong đầu óc cả phần lớn người Việt, mong muốn có con trai, thích con trai hơn con gái”, vị đại biểu đoàn Nghệ An chỉ ra nguyên nhân căn bản.
Để kiểm soát tốt hơn tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề xuất 3 giải pháp. Trước hết, bổ sung những quy định pháp luật, đảm bảo khả thi kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; cần tuân thủ các quy định pháp luật cấm xác định giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Tổ chức các chiến dịch truyền thông, với thông điệp rõ ràng, tác động mạnh đến cảm xúc, nhận thức của người dân. “Cần lên án những hành vi phân biệt giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh và tạo sự đồng thuận xã hội cùng chung tay thực hiện”, đại biểu nói.
Cùng với đó, tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân sự về quyền bình đẳng của con gái trong nối dõi, thừa kế. Thay đổi quan điểm chỉ có con trai được thờ cúng tổ tiên; xây dựng hệ thống gia đình linh hoạt, giảm tập tục phụ nữ “xuất giá tòng phu” cho phù hợp với thực tiễn phát sinh.