Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

bna_fafad02258c6e398bad7.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 20/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền -Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Nghệ An bày tỏ đồng tình cao với việc ban hành Luật Nhà giáo, như sự trân trọng đối với nhà giáo. Cùng với đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An nêu một số ý kiến để góp ý cho dự thảo Luật.

Liên quan đến quyền nhà giáo được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nhận định: Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo trong thực hiện hoạt động nghề nghiệp; tại báo cáo đánh giá tác động chính sách phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo mới chỉ đề cập đến những việc cấm nhà giáo thực hiện; mà chưa có quy định đối với việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.

Đồng thời, thiếu các quy định để bảo vệ nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây; dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin với gia đình và học sinh.

bna_53bca9eb080db353ea1c.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

“Điều này góp phần làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh thêm những căn bệnh xã hội đối lứa tuổi học trò”, đại biểu phân tích. “Thực tế có những việc, có những khía cạnh trong cuộc sống học trò, nhà giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm là người biết, hiểu và gần gũi với các con”.

Vì khi ở trường học, bên cạnh bạn bè, một số trẻ mới thực sự bộc lộ những suy nghĩ, hành động tự nhiên nhất. Những lúc như thế nhà giáo không chỉ là thầy, cô, mà là mẹ, là bạn, là người anh, người chị thân tình bên cạnh học sinh. Nhiều giáo viên đã âm thầm đồng hành, hỗ trợ học sinh vượt qua những khủng hoảng tuổi mới lớn rất cần được xã hội ghi nhận và trân quý.

Do đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà trường đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ ngành Giáo dục, sự ủng hộ của phụ huynh và xã hội.

Liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, học thêm là một nhu cầu thực tế của nhiều học sinh, phụ huynh và gia đình. Đối với học sinh yếu hơn thì kèm thêm; đối với học sinh khá thì được bồi dưỡng thêm để có những kết quả tốt hơn, vượt trội. Bên cạnh việc khuyến khích người học tự học, tự nghiên cứu thì rất cần nhà giáo hướng dẫn, định hướng là nhu cầu chính đáng.

“Cũng cần xem dạy thêm như một nghề có thu”, đại biểu nói và nhận định thực tế, có lúc chúng ta đã cấm nhưng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra. Việc cấm học thêm có lúc càng làm cho tình trạng này khó quản lý, đối với người dạy, người học, dạy cái gì, dạy như thế nào, hiệu quả ra sao.

Để đáp ứng được nhu cầu của người học, để quản lý việc dạy thêm, học thêm và để dạy thêm học thêm thực sự hiệu quả, theo đại biểu, cần bổ sung quy định dạy thêm vào dự thảo Luật.

“Hiện ngành Giáo dục đang lấy ý kiến để hoàn thiện Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Tôi đồng tình với quy định này. Việc quy định nhà giáo có quyền dạy thêm như là một sự chính danh cho hoạt động chính đáng này”, bà Hoàng Thị Thu Hiền nêu quan điểm.

Chia sẻ những áp lực với của giáo viên mầm non, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non như với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; bố trí đủ số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non để giáo viên mầm non dạy đúng, đủ theo quy định, để họ có thời gian tái tạo sức lao động, gia tăng các hoạt động chuyên môn.

“Giáo viên mầm non cũng chịu nhiều áp lực từ trách nhiệm chăm sóc một đứa trẻ non nớt, còn trong vòng tay của gia đình. Một đứa trẻ đi học mầm non là cả gia đình, bố mẹ, ông bà trông cậy, theo dõi, giám sát cô giáo”, đại biểu nói. “Tuy nhiên, chế độ cho giáo viên mầm non hiện đang rất thấp”.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đồng tình khi dự thảo Luật quy định nhà giáo được xã hội bảo vệ, kính trọng và tôn vinh, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta; cũng là sự tri ân của xã hội đối với nhà giáo và cũng là trách nhiệm lớn lao của nhà giáo. Khi nhà giáo không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là người ảnh hưởng đến nhận thức và sự hình thành nhân cách của người học, là tấm gương cho người học.

Bởi vậy, ngoài chuyên môn dạy học, nhà giáo còn phải xây dựng cho mình hình ảnh đẹp về đạo đức, tác phong như là một tiêu chuẩn nghề nghiệp. Vấn đề này được quy định tại dự thảo Luật, nhưng theo đại biểu, quy định về đạo đức nhà giáo còn rất sơ sài, khó thực hiện.

“Dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến giải thích về đạo đức nhà giáo, thể hiện của đạo đức nhà giáo. Theo tôi ngoài quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ Quy tắc ứng xử của nhà giáo, dự thảo luật cần quy định cụ thể đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo để tăng tính hiệu lực của quy định này”, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nêu ý kiến.

Thành Duy - Thúy Vinh