Sáng ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội trường Diên Hồng và 62 điểm cầu trong cả nước.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật này để khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành như nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã được các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến tại thảo luận Tổ. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật; hồ sơ dự án Luật đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Cùng với đó, các đại biểu đã có những ý kiến tham gia sâu vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật với quan điểm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và quy định tiêu chuẩn cụ thể danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên cơ sở tiếp tục rà soát một số luật, nghị quyết, pháp lệnh hiện hành; cụ thể hóa các nguyên tắc về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; nghiên cứu, rà soát, lượng hóa tối đa các tiêu chuẩn khen thưởng để đảm bảo nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”; rà soát, bổ sung quy định để bảo đảm khen thưởng bao quát hết đối tượng khu vực ngoài Nhà nước như bệnh viện tư, trường học tư...để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong thi đua, khen thưởng; bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thi đua, khen thưởng như trách nhiệm thẩm định hồ sơ khen thưởng; quy định nghiêm cấm các hành vi “cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc đề nghị và ra quyết định khen thưởng trái pháp luật” để nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thẩm định, khen thưởng và đề nghị khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng bằng việc sửa đổi, bổ sung nội dung về thẩm quyền khen thưởng; thẩm quyền đề nghị khen thưởng; thủ tục, hồ sơ khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng để đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình bình xét, đề nghị khen thưởng. Quy định rõ tuyến trình khen thưởng đối với doanh nghiệp để phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề và trên nhiều địa bàn trong nước và quốc tế.

Về ý kiến bổ sung danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác, nhiều đại biểu đã có kiến nghị, đề xuất trên cơ sở bổ sung vào các điều, khoản đã có trong dự thảo Luật như bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” ; tổ chức tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến trên cơ sở rà soát, thực hiện chính sách khen thưởng cho trên 9.000 hồ sơ đề nghị khen thưởng tồn đọng ở các địa phương do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định và 11.000 đối tượng có công trong chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc, Biên giới Tây Nam, hải đảo, làm nghĩa vụ quốc tế…Nghiên cứu, bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19; bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; thay đổi tên gọi danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố; về danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” đề nghị cân nhắc giảm số năm đạt tiêu chí xét danh hiệu cho những đối tượng trực tiếp giảng dạy hoặc cán bộ quản lý ở vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số để bảo đảm nguyên tắc quan tâm hơn đến vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số; về danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nhiều đại biểu đề nghị không bỏ đối tượng “nhạc sĩ” trong việc xét tặng danh hiệu khen thưởng này nhằm tạo động lực và cảm hứng để các nhạc sĩ có thêm tinh thần sáng tác và cống hiến cho văn hóa, nghệ thuật.

Ngoài ra, có một số ý kiến của đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn về hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; làm rõ mức độ của “thưởng” tương ứng với “khen”; điều chỉnh một số nội dung, nguyên tắc thi đua, khen thưởng… có sự thống nhất trong toàn hệ thống, tránh mỗi nơi có vận dụng riêng trong Luật.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình làm rõ một số ý kiến, đồng thời xin tiếp thu tất cả các ý kiến để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét./.

Phan Hậu

Phòng CTQH

VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh