bna_d33bc171d1db6a8533ca-c99fb3f61867b5928b7536ba261b02a0.jpg
Quang cảnh phiên làm việc chiều 25/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Qua thảo luận có 17 ý kiến ĐBQH phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật; kịp thời báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị ĐBQH ngay trong Kỳ họp thứ 8.

Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.

bna_b06c8f3c9f9624c87d87.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Nam An

Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, tương thích, khả thi giữa dự thảo Luật với các luật chuyên ngành; một số quy định của Luật cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người tiêu dùng của doanh nghiệp, của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực quảng cáo như: Quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…

Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo; đồng thời, cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.

bna_a88587d0977a2c24756b.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề nghị nên để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường. Ảnh: Nam An

Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với việc bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn, tách biệt giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thông thường và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt; đồng thời, một số ý kiến cho rằng, không nên liệt kê các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong dự thảo Luật, vì các sản phẩm trên sẽ thay đổi theo từng thời điểm, mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo…

Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo Luật báo cáo tại kỳ họp tới.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Thành Duy