Sinh năm 1990 tại bản Lầu, xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ năm 2018, chuyên ngành Luật học của trường Đại học Vinh, anh Lãnh Văn Mùi đã trở về quê hương, mong muốn được cống hiến sức trẻ của mình góp phần thay đổi bản làng giàu đẹp hơn.
Dựa trên nền tảng kiến thức đã được học, tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng và qua tìm tòi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với những tiềm năng đang có ở địa phương như nhân lực, nguồn phế thải nông nghiệp nhiều và nhu cầu được sử dụng sản phẩm cá sạch, cá tươi của người dân, anh Mùi đã quyết tâm xây dựng mô hình nuôi cá lồng phù hợp với điều kiện khí hậu Quỳ Châu. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, nhiệt huyết trong các hoạt động Đoàn ở xóm bản và xã. Năm 2020, nhờ những đóng góp của mình trong các hoạt động thanh niên, nhận được sự tín nhiệm của cấp ủy và đoàn viên, thanh niên trong xã, anh được vào Ban chấp hành Đoàn và giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã cho đến nay.
Tham quan mô hình cá lồng của anh Lãnh Văn Mùi, chúng tôi đã được chứng kiến sự tâm huyết của Bí thư Đoàn trẻ tuổi này, ngoài giờ làm việc anh luôn tranh thủ mọi thời gian để nghiên cứu, tìm tòi phát triển mô hình kinh tế nuôi cá lồng bè của mình. Cùng đồng hành với anh còn có một số đoàn viên, thanh niên trợ giúp, đồng thời cùng học hỏi kỹ năng và còn có thêm công ăn việc làm hằng ngày. Với 5 lồng cá, ban đầu anh Mùi đã mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng, tận dụng dòng chảy của dòng sông, thức ăn có sẵn trong tự nhiên và những kiến thức nuôi cá lồng, trong đợt thu hoạch đầu tiên đã có hơn 7 tạ cá được xuất ra và thu về gần 110 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Mùi cho biết “Nhận thấy nuôi cá lồng là ngành cần có sự đầu tư kỹ lưỡng về kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn, sự phát triển của ngành nuôi cá lồng ở huyện Qùy Châu vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế; Có một số mô hình phát triển nhỏ lẽ và không ổn định về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm, đầu ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường; Chính vì vậy tôi đã tích cực học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi cá lồng của mình, bước đầu thấy hiệu quả khá cao so với mục tiêu đề ra”
Anh Mùi luôn trăn trở suy nghĩ và tìm tòi thêm các sản phẩm chế biến chuyên sâu để tăng năng suất sản xuất các sản phẩm về cá cho trang trại nuôi cá lồng của mình, chủ động trong lượng hàng sản xuất ra mỗi ngày, tạo nguồn sản phẩm cá tiêu thụ tại địa phương, hình thành sản phẩm trên thị trường. Đây là một ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn (nhất là thanh niên nông thôn lập thân lập nghiệp) với mức đầu tư về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, lao động, cơ sở vật chất, tiền vốn không lớn nhưng đem lại hiệu quả không nhỏ góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Khi đã ổn định về nuôi cá lồng, anh Mùi giao lại công việc cho một đồng chí Bí thư chi đoàn cùng chăm sóc. Bên cạnh đó anh vẫn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cũng như định hướng bao tiêu sản phẩm. Hơn hết điều anh muốn chính là chú tâm làm tốt công việc của Bí thư Đoàn xã. Dù mới đảm nhận chức vụ thủ lĩnh đoàn hơn một năm nhưng thời gian qua anh Lãnh Văn Mùi đã nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng ủy, các cấp bộ Đoàn và đặc biệt sự tin yêu từ các đoàn viên, thanh niên trong toàn xã, với rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hút đông đảo lực lượng tham gia. Vừa qua, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Châu Tiến nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã tín nhiệm bầu anh Lãnh Văn Mùi tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã.
Tại cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2021 vừa qua, anh Lãnh Văn Mùi đã vinh dự là đại diện của thanh niên huyện Quỳ Châu tham gia và xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi với dự án phát triển kinh “Ứng dụng công nghệ vào quy trình nuôi cá lồng trên sông Hiếu”.
Với sự nhiệt huyết, ham học hỏi của mình, thủ lĩnh đoàn Lãnh Văn Mùi đã trở thành điểm sáng trong những người trẻ phát triển kinh tế giỏi tại địa phương và là tấm gương tiêu biểu nhiệt huyết, xung kích trong các hoạt động tình nguyện của huyện nhà.
* Nội dung: Lương Nga
* Thiết kế - Kỹ thuật: Hoàng Bá