Sáng 27/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Nghệ An 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế, chính sách.
Theo đó, đối với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, nếu được thông qua, Nghệ An sẽ được cho phép thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về: Mức dư nợ vay; bổ sung có mục tiêu từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; định mức phân bổ chi thường xuyên; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; quản lý, sử dụng rừng.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An dự họp tại điểm cầu Trụ sở Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Từ khu vực miền núi phía Bắc, thảo luận trực tuyến, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn đại biểu Yên Bái thống nhất cao về cơ chế, chính sách đặc thù, qua đó tạo cơ chế, thêm nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp để tăng tính chủ động cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng mới, tạo động lực, tạo sự lan tỏa, sự phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm và dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng trao đổi, kiến nghị một số nội dung cụ thể về các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương được trình Quốc hội.
Đại biểu Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ nhất trí việc trình các dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Vì theo đại biểu nhận định, hồ sơ trình Quốc hội đã đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Nếu các dự thảo nghị quyết được thông qua, các chính sách sẽ được tổ chức thực hiện và có thêm cơ sở thực hiện để Quốc hội nghiên cứu ban hành các chính sách mới trong thời gian tới.
Đại biểu đến từ khu vực Đông Nam Bộ cũng đánh giá, các điều khoản quy định trong dự thảo các nghị quyết đã thể hiện sự mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tạo sự chủ động trong việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời qua đó cũng tạo được nguồn lực để các địa phương có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Từ khu vực Tây Nguyên, bà Trần Thị Thu Hằng - đại biểu Quốc hội Đoàn Đắk Nông tán thành cao với sự cần thiết ban hành các nghị quyết đối với các địa phương. Trong đó, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế cùng nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đây đều là tỉnh lớn, có dân số đông, nhiều đơn vị hành chính các cấp, địa bàn rộng phức tạp, có đủ các vùng miền, bao gồm cả đồng bằng, trung du, miền núi, biển đảo, có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào.
Đặc biệt, theo nữ đại biểu Đoàn Đắk Nông, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cách không xa Hà Nội, gần tam giác phát triển Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là lợi thế lớn cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp.
Do đó, nếu trao các chính sách này sẽ giúp các tỉnh, thành trên phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng và lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng trong đầu tư phát triển và trở thành cực tăng trưởng mới, chủ động góp phần thúc đẩy kinh tế vùng và quốc gia.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, thực tế hiện nay, mới chỉ có Hải Phòng là cân đối được thu - chi ngân sách và có thể điều tiết về Trung ương, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ hơn cho ba địa phương còn lại là Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế mới đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển của các địa phương.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Phát biểu thảo luận về một số dung dự thảo các nghị quyết, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung thêm cơ chế cho phép các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tăng thêm cấp phó các sở, ngành với điều kiện là không tăng thêm biên chế, vì đây là hai tỉnh có diện tích rộng, dân số đông vào tốp đầu của cả nước.
Tại phiên thảo luận, ý kiến đại biểu cũng đề nghị, nếu Quốc hội thông qua đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các nghị định, quy định chi tiết và hướng dẫn, bảo đảm hiệu lực thi hành các nghị quyết của Quốc hội; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương; chỉ đạo các bộ, ngành làm việc cụ thể với các tỉnh, thành phố liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đại biểu cũng đề nghị Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố phát huy tinh thần tự lực, tự cường nhanh chóng ban hành các văn bản để triển khai thực hiện và chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, tận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng để huy động nguồn lực làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An và lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Tuy nhiên, ý kiến của một số đại biểu cũng đề nghị phân tích tác động của các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách đối với ngân sách Nhà nước, nợ công quốc gia; đồng thời cùng với phân cấp, phân quyền cần gắn với kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất của các địa phương đảm bảo chỉ khi thực sự cần thiết, không còn phương án khác, và quan tâm đến sinh kế người dân bị ảnh hưởng. Đại biểu cũng cho rằng, cần quy định thêm trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực hiện các nghị quyết.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần xem xét lựa chọn thêm một số địa phương mang tính đại diện các vùng miền để thí điểm theo vùng miền; sau khi thí điểm ở 4 địa phương trên cần đánh giá kết quả để có cơ sở triển khai, nhân rộng giai đoạn tiếp theo;…
Sau khi nghe ý kiến 31 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã phát biểu kết luận đánh giá, qua thảo luận đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị và khai thác thế mạnh, tiềm năng của các địa phương, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương và phát triển kinh tế vùng. Việc thông qua nghị quyết này là đúng thẩm quyền theo quy định.
Có một số ý kiến cho rằng, hiện nay có nhiều chính sách đang áp dụng thí điểm tại một số địa phương nên cần tổng kết những mặt được, chưa được, căn cứ ban hành các nghị quyết được áp dụng cho các địa phương và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác đảm bảo tính đại diện, liên kết vùng miền, đồng thời có cơ chế để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: Đa số các ý kiến đồng ý áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đối với từng chính sách đều có ý kiến đề nghị đánh giá thêm trên một số mặt.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Phiên thảo luận trực tuyến được tổ chức sau khi nội dung dự thảo nghị quyết đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng 22/10. Qua thảo luận tại 72 tổ đã có 269 lượt ý kiến phát biểu, trong đó đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương trên để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương phát triển.
Thành Duy
(Nguồn: BNA)