Vào những năm đầu của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam được ví như “một cổ 2 tròng”, dưới sự áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến, nhân dân sống trong đau khổ, lầm than. Điều đáng nói, vào thời điểm đó, nước Nam không thiếu những kẻ sỹ, không thiếu những anh hùng xả thân vì nghĩa nước, thế nhưng, không ít sỹ phu yêu nước đứng lên rồi ngã xuống, không ít phong trào yêu nước vừa hình thành đã sớm thất bại. Điển hình có phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, rồi sau này còn có các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… Mỗi người đều mang trong mình một trái tim nóng, chảy dòng máu Lạc Hồng và luôn “nặng nợ với núi sông”, thế nhưng, vì sao cách mạng Việt Nam vẫn mãi bế tắc, vẫn khủng hoảng không tìm thấy lối đi?
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, lại sớm được tiếp xúc với các nhân sỹ yêu nước, sự thông tuệ cùng với nhãn quan hơn người đã đem lại cho Nguyễn Tất Thành một cách nhìn, một sự nhận định đầy biện chứng về tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. Với một mục tiêu và mong muốn duy nhất là “tìm tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, dù mới 21 tuổi nhưng cách nghĩ, cách hành động của Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn khác với cách nghĩ, cách làm cách mạng của các vị tiền bối lúc bấy giờ.
Người từng nói: “Tôi rất khâm phục lòng yêu nước của các vị cách mạng tiền bối, nhưng tôi không tán thành chủ trương cứu nước của các cụ”. Người nhìn thấy những hạn chế của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ, như phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, mong muốn dựa vào Pháp để cải cách thay đổi chế độ, theo Nguyễn Tất Thành đó là “khuynh hướng cải lương, kêu giặc rủ lòng thương”, còn với phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, chủ trương “dựa vào Nhật để đánh Pháp”, Người cho rằng, như vậy chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Và thực tế cho thấy, cả 2 khuynh hướng cách mạng đó đều sớm thất bại, vì rõ ràng người Việt không nắm vận mệnh của mình mà chỉ dựa vào một lực lượng bên ngoài.Mang trong mình hoài bão lớn và một tầm nhìn vượt thời đại, Người cho rằng “muốn đánh hổ phải vào hang hổ”, “phải đem sức ta giải phóng cho ta”, muốn giải quyết tận gốc những vấn đề ở thuộc địa phải thâm nhập vào chính quốc, muốn đánh đuổi giặc Pháp phải hiểu rõ đất nước, con người và đời sống của nhân dân Pháp. Đó chính là bước ngoặt nhận thức về đấu tranh cách mạng, cũng chính là động lực thôi thúc Người với hai bàn tay trắng một mình rời Tổ quốc, trải qua nhiều công việc nặng nhọc kiếm sống để đến được châu Âu, châu Mỹ tìm chân lý cho “25 triệu đồng bào”.
Có tới tận Le Havre, Marseille, Paris, London… để cảm nhận những nơi Nguyễn Tất Thành đặt chân tới đầu tiên, chúng ta cũng không thể hình dung được hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt như thế nào đối với một thanh niên 21 tuổi. Chỉ có khát vọng to lớn, chí can trường cùng với một tình yêu nước, thương dân vô bờ bến mới thôi thúc Người bôn ba, hoạt động ở xứ người. Quan trọng hơn, vào thời điểm hơn 110 năm về trước, cách nghĩ, cách làm của Người chỉ có thể gọi bằng hai từ “vĩ nhân”. Trải qua những năm tháng sống ở Pháp, Anh, Nga và một số quốc gia khác, tham gia nhiều tổ chức, hội nhóm và phong trào, sự hiểu biết về cách mạng thuộc địa đã giúp Người lý giải được những vấn đề còn thiếu khuyết, những bế tắc lâu nay của cách mạng Việt Nam.
Khi bắt gặp Luận cương của Lê Nin “về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Người đã khóc, nhưng “phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”, bởi Người đã tìm ra “hình của nước” sau bao nhiêu năm bôn ba hải ngoại. Trước sự khủng hoảng về đường lối, tổ chức dẫn đến các phong trào yêu nước liên tục thất bại, và dân tộc Việt Nam mãi chìm đắm trong đêm trường nô lệ, việc Nguyễn Ái Quốc từ nhận thức đi đến khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản”, “Cách mạng muốn thành công phải dựa vào chính mình” chính là bước ngoặt lịch sử của dân tộc, nó chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối, về tổ chức của cách mạng Việt Nam, và cũng là khởi đầu cho một giai đoạn, một kỷ nguyên mới tiến bộ hơn của dân tộc.
Từ Làng Sen đến Cảng Nhà Rồng, rồi từ Cảng Nhà Rồng đến Pác Bó, mỗi một chặng đường không chỉ là sự trưởng thành về nhận thức của một thanh niên yêu nước, mà nó còn thể hiện được khát vọng của triệu triệu trái tim yêu chuộng hòa bình, độc lập. Khát vọng đó được Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc hiện thực hóa bằng trí tuệ, tình yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc cùng sự hy sinh cao cả.
Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn lại thành quả cách mạng Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và hiện thực sinh động của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ngày nay để thấy được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của ngày 5/6/1911 – mốc mở đầu cho một cuộc hành trình quyết định vận mệnh cả dân tộc.