q1.jpg
Mô hình trang trại gà ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn

Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông đã ban hành các nghị quyết về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó dựa vào thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, một trong những giải pháp đó là tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sớm đưa nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, sự vào cuộc, quan tâm, chăm lo của chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào thi đua yêu nước, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân...Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 30 trang trại và 45 gia trại, doanh thu bình quân các mô hình đạt từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Việc phát triển các mô hình kinh tế trên, không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững.

a4b575c1a67a6d24346b.jpg
Mô hình trồng bí xanh ở bản Khe Ló, xã Môn Sơn

Đến nay, trên địa bàn huyện, có nhiều điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế cho gia đình, như hộ ông Lang Văn Vê ở Bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức với việc phát triển kinh tế trồng rừng nguyên liệu, phủ xanh đồi trọc và đầu tư mô hình vườn – ao – chuồng… nhờ đam mê học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay trang trại của ông Vê đã duy trì gần 100 con lợn, 300 con gà, 2 ao cá hơn 500m2… và 7 ha diện tích trồng keo, trồng sắn, hàng năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. “Ông Vê cho biết sắp tới gia đình sẽ chuyển sang trồng thêm các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, như trồng cây tếch lai, sắn nguyên liệu, chăn nuôi bò vỗ béo…”. Việc trồng rừng, phủ xanh đồi trọc và xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng không chỉ giúp gia đình anh Vê tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải ra môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

q3.jpg

q4.jpg
Mô hình Vườn – Ao – Chuồng của ông Lang Văn Vê

Hay trang trại tổng hợp gia đình ông Trần Đình Ngọc ở Bản Cửa Rào xã Môn Sơn. Hiện nay trang trại của ông Ngọc đang duy trì 42 con lợn nái, 120 con lợn thịt, hơn 200 con gà, 4 con dê, hàng năm đem lại thu nhập trên 800 triệu đồng sau khi trừ các chi phí đầu tư; Trang trại trồng cam của gia đình bà Lưu Thị Hồng ở Bản Tân Hương, xã Yên Khê, với diện tích 5,1 ha hàng năm thu hoạch đạt trên 50 tấn cam, trị giá gần 800 triệu đồng.

q5.jpg

q7.jpg
Mô hình trồng cam của người dân ở xã Yên Khê

Có thể nói, mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Con Cuông đã và đang dần được khẳng định với những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao cho người dân. Để phát huy tốt hiệu quả những mô hình này, trong thời gian tới Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông tiếp tục ban hành các Nghị quyết lãnh đạo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó tập trung vào các giải pháp tạo cơ chế, chính sách, đổi mới tư duy của người dân, khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời khuyến khích và hỗ trợ người dân nhân rộng các mô hình điển hình tạo tiền đề cho huyện nhà trong mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Lương Hương

PTB Dân tộc HĐND huyện Con Cuông