Chưa làm rõ chính sách đầu tư và thúc đẩy phát triển dược liệu

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) dành sự quan tâm đến phát triển cây dược liệu. Theo đó, Việt Nam có khoảng 5.117 loài cây dược liệu, trong đó có 200 loài cây dược liệu đã được khai thác thương mại. Trong khi đó, dược liệu Việt Nam là kho tàng vô giá, từ đó tạo ra các sản phẩm liên quan đến chữa bệnh, thực phẩm, thực dưỡng, đồ uống và hóa mỹ phẩm…

kim-ngan-1718709571259.jpg
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)

Tổ chức Y tế thế giới đã có đánh giá và báo cáo, hàng năm 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân khẳng định dược liệu Việt Nam và khai thác thương mại về dược liệu rất tiềm năng.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, trong dự thảo Luật chưa làm rõ các chính sách đầu tư và thúc đẩy phát triển dược liệu. Khoản 5, Điều 1, dự thảo luật có nhắc đến việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với ngành dược liệu, song mới chỉ nêu ra các dự án mang tính chất nhỏ lẻ như các bài thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam được ưu đãi. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng, phát triển ngành công nghiệp dược.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân thẳng thắn, hiện nay, các dự án liên quan đến phát triển dược liệu có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu từ các hộ gia đình, mà chưa được chú trọng về giống, phát triển vùng dược liệu… Do vậy, dự thảo Luật cần có định hướng, có dự án đặc biệt nghiên cứu về cây dược liệu, đơn cử đất đai đã bảo đảm cho cây dược liệu phát triển và bảo đảm hoạt chất của dược liệu hay chưa?

Liên quan đến thông tin và quảng cáo các sản phẩm liên quan đến thuốc và thuốc điều trị, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, vừa qua việc quảng cáo các sản phẩm này tương đối phổ biến trên các trang mạng, các nghệ sỹ hay các nhà thuốc đều sử dụng hình ảnh của mình để quảng các thuốc. Dự thảo Luật đã quy định thông tin quảng cáo phải thực hiện theo quy định của Chính phủ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thực hiện thanh tra, kiểm tra để quản lý thuốc đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, với đội ngũ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và quản lý về dược còn hạn chế như hiện nay, thì liệu rằng khi thuốc đến với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa thì có bảo đảm thuốc đó đặc trị và chữa bệnh tốt nhất cho người dân hay chưa?

Đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ các biện pháp xử phạt hành chính, đẩy mạnh vai trò phối hợp của các bộ, ngành, nhất là vai trò Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu quảng cáo thuốc không đúng sự thật thì cách xử lý như thế nào? Bảo đảm cho người dân được tiếp cận với thuốc có chất lượng tốt, tăng cường nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Nên quy định ưu đãi đầu tư trong luật chuyên ngành

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) quan tâm đến phạm vi các dự án được hưởng mức ưu đãi đầu tư đặc biệt còn rộng. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7 như sau: “Ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc”.

van-chi-1718709571665.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) phát biểu

Cụ thể, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất dược chất (bao gồm cả dược chất được chiết xuất từ dược liệu), thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, vaccine, sinh phẩm y tế, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu hoặc chất chiết xuất từ dược liệu đặc hữu trong nước, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia; nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để sản xuất thuốc; bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước; nghiên cứu tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong nước và di thực, có giá trị kinh tế cao.

Dự thảo luật áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt ở mức cao nhất về các chính sách thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) và chính sách đất đai (tiền thuê đất, mặt nước) theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc và dược liệu nêu trên.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho biết, dự thảo luật thiếu đánh giá tác động về quy định này, nhất là so sánh đối chiếu với các luật có liên quan như Luật Đầu tư, các luật về thuế, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Nếu quy định như dự thảo luật sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo. Ví dụ, Luật Đầu tư đã có quy định các ngành nghề được ưu đãi đầu tư: nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; thuốc thú y mới, vaccine, chế phẩm sinh học dùng cho thú y, sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc chủ yếu, thuốc thiết yếu…

Bên cạnh đó, đại biểu chỉ ra, Luật Đầu tư quy định để được ưu đãi đầu tư đặc biệt thì lĩnh vực này phải nằm trong danh mục được ưu đãi đầu tư đặc biệt và những dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải có quy mô đầu tư trên 30.000 tỷ và có tác động kinh tế - xã hội lớn. Hiện nay Chính phủ có Quyết định 29/2021/QĐ - TTg để hướng dẫn áp dụng mức ưu đãi đầu tư đặc biệt và định hướng áp dụng với công nghệ cao. Nếu quy định như dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Vân Chi lo ngại, có những dự án nhỏ trong dự thảo luật cũng được áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Hơn nữa, đại biểu Nguyễn Vân Chi nêu rõ “những ưu đãi đầu tư nên quy định trong luật chuyên ngành, chúng ta không nên mỗi luật lại quy định ưu đãi, thì sẽ phá vỡ toàn bộ khuôn khổ pháp lý của chính sách về thuế và đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì phải rà soát giữa các luật có liên quan, nếu cần thiết thì mới bổ sung trong danh mục về hỗ trợ đầu tư và các ưu đãi về thuế theo đúng lĩnh vực và địa bàn, thay vì quy định chi tiết trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, khó bảo đảm tính khả thi”.