Là phu nhân của một người “quá nổi tiếng” – “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh, nhưng chị chưa một lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Chị là Hoàng Thị Huệ, một cô giáo quê Hải Phòng đã tự nguyện “cầm đàn lên đỉnh núi” tỉnh Lai Châu những năm 1980 nghèo khó để dạy cái chữ cho con em đồng bào dân tộc nơi vùng cao khó khăn này.

3420_th1.jpg
Bà Hoàng Thị Huệ (ngồi giữa đeo kính) - phu nhân ông Lê Thanh Thản.

Cũng như chồng và các con, chị Huệ không bao giờ kể “chuyện nhà” với những người mới quen. Tôi may mắn lọt vào danh sách “người nhà bác Thản” trong bản danh sách khách mời thường xuyên tham dự các sự kiện của Tập đoàn Mường Thanh nên mới có cơ hội gặp gỡ, giao lưu thường xuyên với anh chị. May mắn hơn, tôi đã được chị Huệ “bật mí” về câu chuyện tình của hai người thời kỳ khốn khó, mà không phải “ai chị cũng kể”.

Anh Lê Thanh Thản tham gia quân đội năm 1971, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1978 anh trở về công tác tại Huyện ủy quê nhà (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Đầu những năm 1980, anh được Ban Tổ chức Trung ương tuyển chọn từ Nghệ An, tăng cường cán bộ cho các tỉnh biên giới phía Bắc. Anh nhận công tác tại Văn phòng Huyện ủy Mường Lay (tỉnh Lai Châu). Khi ấy cô sinh viên sư phạm Hoàng Thị Huệ vừa mới ra trường, xinh đẹp, quê Vĩnh Bảo - Hải Phòng, được điều động lên công tác tại Phòng Giáo dục huyện Mường Lay. Hai cơ quan cạnh nhau, cùng chung bếp ăn tập thể và chung cả… nhà tắm công cộng.

Chị Huệ kể: lúc ấy, ông ấy chẳng có gì đáng hấp dẫn với các cô giáo trẻ cả. Hình ảnh một thanh niên xứ Nghệ “trọ trẹ”, suốt ngày lầm lũi, mặc chiếc quần đùi bộ đội rộng thùng thình, ngồi băm bèo nuôi lợn bên cạnh giếng nước, gần nhà tắm nữ, không gây ấn tượng được với ai. Cho đến một ngày…

Ngày ấy, có một cô giáo đang trong nhà tắm. Nói là nhà tắm cho oai, thực chất chỉ là mấy tấm cót quây lại cao hơn đầu người một tý. Anh thanh niên Nghệ trọ trẹ, “quê một cục” bưng rổ bèo đã băm đi qua. Máu nghịch ngộ trai trẻ nổi lên, anh nhặt mấy nắm bèo vừa băm, tung qua vách nhà tắm, mấy cánh bèo rơi vào xô nước và dính vào làn da của người đẹp.

Kết quả trò đùa thật tai hại. Cô giáo kia sau khi ra khỏi nhà tắm, trang phục chỉnh tề, cong cớn hướng về phía Văn phòng Huyện ủy, hướng vào phòng chàng trai “vô duyên” kia mà chửi. Cả mấy dãy nhà tập thể đổ ra xem. Người chửi càng hứng khởi, càng chửi to, chỉ rõ danh tính người bị chửi. Buổi trưa, người chửi tạm nghỉ để ăn cơm. Người bị chửi, tất nhiên không dám đến nhà ăn.

Trong bữa ăn, chị Huệ đến cạnh cô giáo kia nhỏ nhẹ: “Người ta đàn ông, đùa quá đáng một tý, có gì đâu mà chị hành hạ người ta đến bỏ cơm như thế”. Nhiều người khác cũng nói thêm vào. Cô giáo kia nguôi giận, hứa chiều không ra chửi nữa. Chị Huệ nói với mấy người đàn ông trong Văn phòng Huyện ủy: “Các anh nhắc anh ấy, nhớ đến xin lỗi người ta”.

Tối hôm đó, anh Thản rụt rè gõ cửa phòng chị Huệ, lí nhí cảm ơn và nhờ chị đưa sang xin lỗi người đẹp. Chị vui vẻ nhận lời. Mâu thuẫn được hóa giải, mọi người vui vẻ cảm thông, bỏ qua cho nhau như không có gì xảy ra. Từ đó gặp chị, anh chủ động chào hỏi trước và chị cũng bắt đầu để ý đôi chút đến anh chàng “cá gỗ” này.

Từ đấy, mỗi khi chi Huệ đi tắm, vắt xong cái khăn tắm lên vách, về lấy xà phòng, đến nơi đã thấy hai xô nước trong vắt đặt trước cửa. Biết là “quà của ai” dành cho mình, chị mỉm cười, xách vào, vui vẻ tắm, hồn nhiên ngày này qua tháng khác. Cũng từ đấy, anh hay âm thầm, “lén lút” tặng quà cho chị. Khi thì chùm hoa rừng, khi thì mấy bắp ngô nướng, khi thì lọ mật ong rừng. Chị vui vẻ đón nhận sự chăm sóc chân thành đó của anh một cách tự nhiên, không quên từ chối vài lần “lấy lệ”.

3418_th.jpg
“ Nghệ nhân” Lê Thanh Thản và cô giáo Hoàng Thị Huệ ngày đang tìm hiểu nhau.

Thế rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Anh chị đến với nhau từ một đám cưới nhỏ đơn sơ. Thượng đế ban cho anh chị một cô con gái xinh đẹp tài năng và hai chàng trai giỏi giang, khôi ngô tuấn tú.

Bây giờ ông Thản đã là đại gia. Bao nhiêu “chân dài” vây quanh, nhưng vẫn luôn sau lưng ông, trong tâm khảm của ông là một quý phu nhân “vượng phu ích tử”. Trong nhiều cuộc vui, nhắc đến vợ, ông không dấu niềm tự hào: ngày xưa bà ấy đẹp lắm, rất nhiều người tới tìm hiểu, nhưng chỉ mình ông may mắn được bà thương yêu.

Không ồn ào, khoa trương, không bao giờ trả lời báo chí, chị lặng lẽ như cái bóng của anh, cùng anh đi dự tất cả các cuộc khai trương chuỗi nhà hàng, khách sạn Mường Thanh. Sự có mặt của chị bên anh, âm thầm, nhẹ nhàng, tình cảm, như luôn nhắc anh về đạo “tề gia” của người quân tử, nhắc anh nhớ đến tình cảm sắt son của vợ chồng từ thủa hàn vi, chia sẻ cùng anh những thăng trầm, vất vả của đời doanh nhân. Anh đã trải lòng mình trong nhiều bài thơ, đặc biệt tôi nhớ có bài thơ anh viết cái thời “anh tán chị”, anh đã đọc cho chúng tôi nghe khi không có vợ ở bên. Tôi loáng thoáng nhớ được mấy câu kết:

“… Bình minh núi, hạt sương xe nỗi nhớ

Bỗng vọng về câu hát người ơi... người ở

Anh không biết hát câu mạn thuyền gối tựa

Để mong em đừng đứng, đừng ngồi

Em đã đốt lòng anh bằng nửa vời câu hát

Anh xin làm sợi tơ vàng óng mượt

Nối cõi lòng chia sẻ ở hai nơi

Em sẽ hiểu tận cùng câu hát người ở, người ơi…”

Có gần anh chị, chứng kiến những gì anh chị đã làm cho quê hương, đất nước, cho gia đình và bao người, tôi mới hiểu được cặn kẽ câu nói cửa miệng của anh: “Đối với tôi, tiền là gạch, tình nghĩa mới là vàng”.

“Trong chiến đấu không sợ hy sinh, gian khổ, trong cuộc sống đời thường luôn sáng tạo; trong kinh doanh luôn nhạy bén, quyết đoán; với cộng đồng xã hội là người có tấm lòng nhân ái, sẻ chia...”- Đó là những lời của ông Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh - Lê Thanh Thản chia sẻ về thành công của mình.

Thịnh Nguyễn

Theo Tamnhin.trithuccuocsong.vn