Đây là ý kiến được ông nhiều lần nhấn mạnh khi góp ý vào dự thảo lần 3 Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tại phiên họp chuyên đề vừa qua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.

1--PGS-TS-Tran-Dinh-Thien---nguyen-Vien-truong-Vien-Kinh-te-Viet-Nam-To-pho-To-Tu-van-kinh-te---xa-hoi-cua-tinh.JPG
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nêu quan điểm: Thông qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị phải thể hiện kỳ vọng của Bộ Chính trị đối với tỉnh và cũng là khát vọng của Nghệ An đã được thực hiện như thế nào? Trên cơ sở đó, phần đánh giá thực hiện Nghị quyết cần bổ sung thêm dung lượng để phân tích kết quả thực hiện những yêu cầu, mục tiêu lớn, then chốt, cơ bản của Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết số 26 đối với Nghệ An.

Đặc biệt là phải “mổ xẻ, phân tích” được nguyên nhân thành công, chưa thành công ở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhất là đối với hai chỉ tiêu lớn là: “phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp”. Theo ông, đây là hai chỉ tiêu mang tính định tính nhưng thể hiện sự kỳ vọng, do đó thông qua đánh giá sẽ nhận diện được “chỗ đứng” hiện nay của tỉnh, tạo cơ sở để có cách tiếp cận và đặt mục tiêu phấn đấu cho giai đoạn tới.

3--Theo-PGS--TS-Tran-Dinh-Thien-can-phai-dat-uu-tien-hang-dau-ve-mat-the-che-chinh-sach-nguon-luc-cho-thanh-pho-Vinh--Anh-mot-goc-TP--Vinh.JPG
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên cần phải đặt ưu tiên hàng đầu về mặt thể chế, chính sách, nguồn lực cho thành phố Vinh. Ảnh một góc TP. Vinh

Đặc biệt, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm nên kiểm điểm lại sự phát triển của thành phố Vinh trong 10 năm qua theo hướng Vinh đã có những thay đổi đột biến về mặt chất lượng, thay đổi về mặt đẳng cấp, hay ít nhất tạo đà để có sự thay đổi về mặt đẳng cấp như thế nào?, đặc biệt là trên góc độ thành phố Vinh được kỳ vọng nhất chính là trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; trung tâm công nghệ cao của cả vùng. “Thành phố Vinh cao đến đâu thì phần còn lại của Nghệ An và của Bắc Trung Bộ cao đến đấy”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của đô thị trung tâm của tỉnh lỵ Nghệ An.

Đối với các vùng: Nam Thanh - Bắc Nghệ và Nam Nghệ - Bắc Hà, theo chuyên gia Trần Đình Thiên cũng cần phải tổng kết để đánh giá đã thực sự trở thành cực tăng trưởng của tỉnh chưa, với nội hàm để đối sánh “một cực tăng trưởng phải là nơi hội tụ nguồn lực vào và lan toả phát triển ra”.

Trên quan điểm đó, cần đánh giá đúng hiện trạng các địa phương của Nghệ An trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và Nam Nghệ - Bắc Hà, cũng như thực trạng về mặt thể chế mà các địa phương này được hưởng so với các địa phương khác trong vùng của các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh; từ đó đề xuất cách tiếp cận cụ thể nhằm đảm bảo cho sự phát triển mạnh mẽ.

“Phải đề xuất được tiếp cận tương đồng về mặt thể chế giữa Hoàng Mai (Nghệ An) và Nghi Sơn (Thanh Hóa)”, PGS. TS Trần Đình Thiên gợi mở sau khi phân tích, so sánh hiện trạng phát triển của hai địa phương “láng giếng, khác tỉnh” là Nghi Sơn và Hoàng Mai, song cùng trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Đối với khu vực miền Tây Nghệ An, được coi là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm nhưng còn rất nhiều khó khăn và điều kiện phát triển rất đặc thù, trong bối cảnh đó, ông Trần Đình Thiên nhận định, dù có tiềm năng rất lớn nhưng việc chuyển tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh cạnh tranh ở khu vực này chưa thực sự được nhiều.

4--San-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-do-Tap-doan-TH-dau-tu-tai-huyen-Nghia-Dan.JPG
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Tập đoàn TH đầu tư tại huyện Nghĩa Đàn

Tuy nhiên, đây là khu vực có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà các dự án của Tập đoàn TH đầu tư là minh chứng sinh động. Vừa qua, trong chuyến công tác tại Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, khảo sát một số dự án của Tập đoàn này đầu tư tại huyện Nghĩa Đàn. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, thông qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh cần tiếp tục khẳng định, vùng này là nơi để “làm lớn”, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ thực tiễn công tác, vị chuyên gia quê thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) nhận định: Hiện nay khí thế của các tỉnh trong việc tìm kiếm những đột phá, cách làm mang tính đột biến cho phát triển rất mạnh mẽ và thực sự là khát vọng. Do đó, tựu trung lại, qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, theo ông cần nhìn nhận trong một thập kỷ qua, Nghệ An đã thay đổi tầm nhìn, có tư duy đột phá gì để thực hiện; đã có nỗ lực để thay đổi động lực tăng trưởng như thế nào?

5--thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tro-chuyen-cung-nong-dan-huyen-nghia-dan-khi-ve-khao-sat-mot-so-du-an-dau-tu-vao-linh-vuc-nong-nghiep-cua-tap-doan-th.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện cùng nông dân huyện Nghĩa Đàn khi về khảo sát một số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn TH

Trả lời các câu hỏi đó cũng chính là nền tảng để trong giai đoạn mới trên cơ sở xác định lại các điều kiện, lợi thế phát triển, nhất là phát huy được lợi thế rất nổi trội là về trí tuệ, con người, cộng với điều kiện thời đại, Nghệ An có thể vươn lên tầm phát triển cao hơn. Đặc biệt, theo PGS. TS Trần Đình Thiên phải đặt ưu tiên hàng đầu về mặt thể chế, chính sách, nguồn lực cho thành phố Vinh. “Kết nối quốc tế, hội tụ nguồn lực cho thành phố Vinh vẫn là ưu tiên số một để tạo ra đầu tàu, động lực cho phát triển”, ông nói.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, thành phố Vinh đã có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020 đạt 8,14%/năm (giai đoạn 2014 - 2019 đạt 9,02%) năm 2021 đạt 6,36%. Quy mô giá trị sản xuất tăng từ 26.979 tỷ đồng năm 2013 lên 55.511 tỷ đồng năm 2021 (gấp 2,06 lần); GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 107,8 triệu đồng, tăng 2,13 lần so với năm 2013, cao hơn 2,37 lần so với bình quân toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách hàng năm giai đoạn 2014 - 2021 tăng 10,1%/năm (giai đoạn 2014 - 2019 tăng 12,95%). Tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm tăng 9,84%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%. Một số lĩnh vực như: Du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin đã hình thành yếu tố trung tâm vùng.

Thành Duy (ghi)