Ngày 8/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 với các đoàn ĐBQH Bắc Kạn và Quảng Ngãi về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

bna_202406081256434434_dsc_7508-abda12874ddcf476f805fdd2d26da8b4.jpeg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Quochoi.vn

Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH đoàn Nghệ An; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đoàn Quảng Ngãi.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là cần rà soát đối tượng thụ hưởng của chương trình theo hướng khái quát hơn, đặc biệt làm rõ cơ sở pháp lý của đối tượng thụ hưởng.

Về mục tiêu của chương trình, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị cần làm rõ hơn các căn cứ, cơ sở để xác định 153 chỉ tiêu chi tiết, nhất là phải dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng.

202406081256434121_dsc_7374.jpeg
Đại biểu Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tán thành sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Thảo luận về nội dung, thành phần của chương trình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định còn dàn trải, chung chung, khó đánh giá, đặc biệt có sự trùng lặp với chương trình khác.

“Ví dụ như cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đều có đầu tư phát triển văn hóa. Do vậy, chúng tôi đề nghị nên tích hợp, tập trung vào 3 mục tiêu, nội dung chính của chương trình: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa”, vị đại biểu đoàn Nghệ An nêu ý kiến.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị nên bố trí nguồn lực lớn để phục vụ xây dựng thiết chế giáo dục trong nội dung xây dựng thiết chế văn hóa của chương trình.

Vì một trong những vấn đề cử tri rất băn khoăn và đề nghị là nên dành các nguồn để tập trung đầu tư đủ trường, đủ lớp cho các em học sinh. Do hầu như ở các tỉnh, thành, nhất là tại các thành phố lớn, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT công lập chỉ khoảng 60%.

“Nếu chúng ta xác định giáo dục là một trong những thiết chế quan trọng nhất của văn hóa, thì tôi nghĩ trong chương trình mục tiêu quốc gia này nên có một phần nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng trường đủ điều kiện học tập. Nếu các em có đủ điều kiện học hết cấp 3 thì đó chính là mở đường phát triển văn hóa, nâng cao nhận thức và phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa”, vị đại biểu đoàn Nghệ An phân tích.

bna_z5519448188616_2f25ef61352746e8114b488dde07e87c.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng thời bày tỏ thống nhất như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 theo quy trình hai kỳ họp: Tại Kỳ họp thứ 7 thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, vì nghiên cứu Chương trình còn nhiều nội dung dàn trải, chưa thực sự thiết thực.

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình khi dự thảo luật cho phép người lao động là người nước ngoài được gia nhập và hoạt động trong tổ chức công đoàn Việt Nam. Vì hiện nay, cả nước có hơn 130 ngàn người lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp FDI, các tổ chức quốc tế.

Đại biểu phân tích: Các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam cũng là doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy cho phép người nước ngoài lao động tại Việt Nam gia nhập tổ chức Công đoàn của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.

Hiện nay, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ tiền lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, trong này không loại trừ tiền lương của người lao động là người nước ngoài.

“Do vậy, họ tham gia công đoàn sẽ giúp tổ chức công đoàn có trách nhiệm trong vấn đề đại diện chăm lo cho người lao động, kể cả người lao động đó là người nước ngoài”, đại biểu phân tích; đồng thời dẫn quy định của Đảng và nhấn mạnh việc luật hóa nội dung trên phù hợp với chủ trương của Đảng.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đồng tình khi dự thảo luật đưa vào quyền của Công đoàn trong việc giám sát và phản biện xã hội. Vì thực tế Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã quy định quy chế giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam.

bna_z5518226908415_bc406b09c2bc97b3b3722473e541d87b(1).jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc ngày 8/6 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Cũng trong chiều 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Quốc hội cũng đã thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Sau khi hoàn thành các nội dung làm việc trong đợt 1 (từ ngày 20/5 đến ngày 8/6), theo chương trình Kỳ họp thứ 7, từ ngày 9/6 đến hết ngày 16/6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Quốc hội sẽ trở lại làm việc đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6.

Thành Duy - Nguyễn Thu