Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giản dị và vĩ đại qua những bức thư
Tư tưởng cách mạng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân và sát dân. Chưa có số liệu nào tổng hợp hay thống kê trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã đi, đã gặp gỡ các tầng lớp Nhân dân bao nhiều lần. Nhưng có một số liệu là chỉ tính riêng 10 năm cuối đời, khi sức khỏe đã yếu đi, mà Người đã có trên 900 lần về với Nhân dân. Ngoài đi thực tế, xuống tận người dân, lắng nghe, trò chuyện, sống, làm việc và chia sẻ với đồng bào, đồng chí, một cách thức nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng để đến với dân, gần gũi thân thiết với Nhân dân chính là viết thư.
Thư cho mọi đối tượng
Có rất nhiều cách để liên lạc, chuyển tải thông tin, biểu đạt tình cảm. Vào những năm giữa thế kỷ trước, điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, chiến tranh chia cắt Bắc – Nam, mặc dù không có nhiều phương thức liên lạc như bây giờ nhưng điện thoại, điện tín cũng đã thông dụng. Trong chỉ đạo, điều hành đất nước, trong hiệu triệu, tập hợp sức mạnh toàn dân và triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như kháng chiến, kiến quốc hay ngoại giao, đàm phán…có rất nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật mà một người đứng đầu đất nước có thể sử dụng, nhưng vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu dùng Thư?
Chưa có thống kê đầy đủ về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã viết bao nhiều bức thư, và thư người viết cho những đối tượng nào. Bởi đó là một kho tàng đồ sộ, chứa đựng cả tư tưởng chính trị, tầm nhìn thời đại, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử và lịch đại. Thư của Người không kể tầng lớp, giai cấp, không kể người già người trẻ, tôn giáo đảng phái, không tính đồng bào, đồng chí hay kẻ thù, không tính việc riêng hay việc công, không kể binh vận, quân sự, ngoại giao hay dân vận….lúc nào, việc gì có thể viết thư là Người sẽ dùng thư.
Trong bối cảnh việc nước bộn bề, quân tình cấp bách, thậm chí có những lúc vận nước như ngàn cân treo sợi tóc, bao mệnh lệnh, chỉ thị cần phát đi,từ Bắc vào Nam nơi nào cũng cần có sự hiện diện của lãnh tụ, nơi nào cũng cần sự hiệu triệu, động viên khuyến khích, thậm chí cả mệnh lệnh nhất tề của người đứng đầu đất nước để toàn dân, toàn quân có động lực, sức mạnh làm cách mạng. Nhưng không phải lúc nào Người cũng chọn các phương thức chỉ đạo nhanh nhất, tối giản và hiệu lực nhất là ra chỉ thị, mệnh lệnh hay điện báo, điện đàm, công hàm…mà Người chọn viết thư cho từng đối tượng riêng lẻ.
Trong những tư liệu và thông tin chúng ta có, có thể thấy, gần như tầng lớp hay ngành nghề nào cũng đều từng được nhận thư của Người. Có ngành nghề, tầng lớp có đến 2- 3 lần được Bác viết thư động viên, khích lệ. Thậm chí như thanh thiếu nhi, đối tượng được Bác quan tâm, dành nhiều tình cảm đặc biệt, vào mỗi dịp lễ tết Bác đều có thư động viên khích lệ. Có thể kể đến như: Thư Người gửi học sinh ngày khai trường đầu tiên, thư gửi thiếu niên, nhi đồng vào các dịp Trung thu, thư gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6… Địa phương nhận được nhiều thư nhất từ Người, có lẽ là Nghệ An. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến ngày về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần về thăm quê. Thế nhưng bù lại, chưa kể hàng chục bài báo, bài nói chuyện và điện tín, Người đã viết hơn 30 lá thư gửi Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và nhiều đối tượng ở Nghệ An. Sau này, rất nhiều ngành nghề, tầng lớp Nhân dân trong xã hội đã lấy ngày Bác viết thư cho mình làm ngày truyền thống.
Cho đến bây giờ nhiều người vẫn không lí giải được vì sao một loại văn bản chỉ dùng riêng tư, cá nhân, viết cho bạn bè người thân lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cho mọi đối tượng, cho cả việc chung và việc riêng, và là phương thức chủ yếu Người dùng để quy tụ lòng người, tập hợp sức mạnh trong thiên hạ để làm cách mạng. Cũng có người đặt câu hỏi, sao Người không dùng điện tín, không gọi điện thoại? Điện thoại, điện tín chỉ dành cho nhiệm vụ cấp bách, thông tin ngắn gọn và cũng rất tốn kém. Thư vừa tiết kiệm, lại có thể diễn đạt cảm xúc, tình cảm một cách gần gũi, chuyển tải đầy đủ thông tin cần nói. Và quan trọng hơn, câu chữ trong thư rõ ràng mạch lạc, có thể nhớ lâu và không bị “tam sao thất bản” hay thất truyền. Có lẽ một trong những lần hiếm hoi Người dùng điện tín về quê nhà chính là vào năm 1950, khi nghe tin anh cả là ông Nguyễn Sinh Khiêm mất. Bức điện gửi cho dòng họ Nguyễn Sinh cấp bách và rất ngắn gọn “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.”
“Vì nước quên nhà, vì công quên tư”
Mỗi bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là viết cho tầng lớp, đối tượng nào cũng đều chưa đựng những giá trị nhân văn và tư tưởng cách mạng to lớn.
Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là gốc rễ của mỗi quốc gia dân tộc, nên khi đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc xóa bỏ nền giáo dục nô lệ, xây dựng một nền giáo dục tự cường, tự lập. Vì thế cùng với phong trào diệt giặc đói và giặc dốt, ngày 5/9/1945, chỉ sau hai ngày Người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã gửi thư cho ngành giáo dục trong buổi khai trường đầu tiên. Cùng với rất nhiều điều nhắn nhủ các thế hệ tương lai của đất nước, rất nhiều ý tứ nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa của việc học tập, nâng cao dân trí. Người viết ”Non song Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Và câu nói này đã trở thành tuyên ngôn bất hủ cho việc học để xây dựng và kiến quốc, học vì niềm tự hào tự tôn dân tộc, học để độc lập tự chủ. Và cũng từ đó đến nay, ngày 5/9 trở thành ngày mở đầu cho một năm học mới ở Việt Nam.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng không phân biệt giai tầng, không phân biệt đảng phái. Hễ là người Việt Nam thì đều có thể đứng lên giành tự do và độc lập. Người hiệu triệu, tập hợp và tranh thủ sức mạnh của tất cả các tầng lớp Nhân dân. Vì thế ngoài công – nông – binh, thì trí thức, văn nghệ sỹ, tư sản, tiểu tư sản, các vị phụ lão…đều là lực lượng hùng hậu cho cách mạng. Xác định tầm quan trọng của giới công thương, “phi thương bất phú”, nhất là sau cách mạng tháng Tám, chính quyền non trẻ, quốc khố cạn kiệt, tầng lớp tiểu thương, tiểu tư sản, những người kinh doanh, buôn bán chính là nguồn lực kinh tế lớn cho đất nước nên ngày 13/10 /1945, Người đã viết thư cho giới công thương. Trong thư, trước hết người ghi nhận “Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân”, tiếp đó là khích lệ, đối sánh”các giới khác trong quốc dân đang ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” và cuối cùng Người khéo léo gắn kết, ràng buộc lợi ích chung và lợi ích riêng “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Những lời thế này ai có thể từ chối, ai có thể không tin phục mà cống hiến cho cách mạng, cho quốc dân? Đó chính là sức nặng của những lời tâm tình chân thành qua thư, và cũng chính là sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và ngày 13/10 sau này đã được chọn làm ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đọc thư của Người, dù là ai cũng đều cảm nhận được tình cảm chân thành và gần gũi. Trong chung có riêng, trong riêng có chung, việc nước việc nhà đan xen, tình yêu đất nước, tình đồng chí, đồng bào và tình thân gia đình cũng hòa trộn vào nhau. Năm 1949, sau khi nhận được thư của cậu và dượng là ông Hoàng Phan Kính và ông Trần Lê Hữu có ý trách Người bao năm không về thăm quê, Người gửi thư phúc đáp:“Tôi chưa về thăm quê được, không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì giặc Pháp đang giày xéo đất nước ta, phận sự của mọi người Việt Nam là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Sau đó cũng không có những lời riêng tư mà chỉ toàn việc nước. Người mong nhận được những lời phê bình góp ý cho bản thân và Chính phủ, đồng thời “Tôi lại mong cậu, dượng cùng các cụ các vị đôn đốc giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong Thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”.
Mỗi đối tượng, tầng lớp, Người có cách nói và viết phù hợp để bản thận họ, dù là tầng lớp nào trong xã hội cũng không thấy mặc cảm tự ti, trái lại được khích lệ, động viên mà càng nỗ lực, phấn đấu. Với các vị phụ lão, với thương bệnh binh, với cựu chiến binh hay với phụ nữ…đọc thư của Bác, họ thấy được vai trò, giá trị tồn tại của chính mình trong xã hội.
Và cũng không phải chỉ có đồng bào, đồng chí mình, Người còn viết thư cho cả hai vị Tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman và Richard Nixon cùng các tù binh, hàng binh bại trận Pháp, Âu Phi. Dù trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào, Người cũng đều có thể hóa giải bằng những bức thư có chủ kiến nhưng cũng rất dung dị. Câu chữ tình cảm, hòa hảo, vị tha, độ lượng nhưng lại có thép.
Một điều rất đặc biệt trong mỗi bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là dù gửi cho đối tượng nào, cho cá nhân hay tập thể, cuối thư Người cũng chỉ đề tên: “Hồ Chí Minh” hoặc “Bác Hồ”, không hề có chức danh, chức vụ gì. Điều đó càng nói lên sự giản dị, gần gũi và vĩ đại ở Người. Người không muốn đứng ở trên cao nói chuyện, mà Người chỉ muốn đứng cạnh Nhân dân, hòa lẫn vào Nhân dân. Người không dùng uy quyền để ra lệnh, người dùng tình cảm, sự chân thành để chia sẻ và thấu hiểu. Người không muốn đồng bào xem mình là lãnh tụ xa cách, mà Người muốn mình là một người bạn, một người đồng chí và một người thân của mỗi người, mỗi gia đình Việt. Đó là lí do Người đã đi và đã viết rất nhiều thư.
Những bức thư trở thành Di sản
Nhắc đến những bức thư trong cuộc đời của Người không thể không nhắc đến hai văn kiện quan trọng, và đã trở thành di sản vô giá của dân tộc và quê hương, đó chính là Di chúc cho đất nước và Bức thư cuối cùng Người gửi cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An.
Văn kiện thứ nhất - văn bản mà từ khi công bố đến nay các tầng lớp Nhân dân Việt Nam vẫn gọi là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì đó là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho hậu thế của một vĩ nhân cả cuộc đời vì nước, vì dân. Nhưng thực tế khi viết Người chỉ nghĩ là “để sẵn mấy lời…” và ở trên văn bản có đề ”tuyệt đối bí mật”. Về hình thức văn phong cũng như nội dung thì đó chính xác là một bức thư. Một bức thư chan chứa tình cảm, trách nhiệm của một vị lãnh tụ gửi toàn Đảng, toàn dân trước lúc Người đi xa.
Và Bức thư cuối cùng Người gửi cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An vào ngày 21/7/1969. Tức là chỉ trước khi Người trút hơi thở cuối cùng sau 79 mùa xuân rực rỡ, cống hiến, hy sinh vì đất nước, dân tộc có hơn một tháng. Vẫn phong cách giản dị, gần gũi nhưng ý tứ, ngôn từ để lại cho quê hương chứa đựng một tầm nhìn, một tư tưởng vĩ đại. Động viên, khích lệ những thành tích và đóng góp của quân dân Nghệ An trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cùng những cố gắng của cán bộ các cấp trong khắc phục, sữa sai, thì mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của bức thư này là “giao nhiệm vụ” cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An. Đó là “sắp tới phải làm gì”: Tích cực thực hiện dân chủ với Nhân dân hơn nữa/Khôi phục và phát triển kinh tế/Hết sức chăm lo đời sống Nhân dân và chiến đấu, góp nhiều công sức hơn nữa để đánh thắng giặc Mỹ. Vẫn không phải là mệnh lệnh, chỉ thị hay nghị quyết, mà là thư. Trong vai trò, bổn phận của người đứng đầu đất nước có cái tình riêng của Người đối với quê hương, nơi mình sinh ra và luôn đau đáu hướng về. Không áp đặt, không nặng những từ ngữ chỉ tiêu, mục tiêu hay thành tích, Người chỉ “Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Thế nhưng những lời nhắn nhủ đó còn có sức nặng và hiệu lực hơn cả mệnh lệnh hay chỉ thị. Bởi không có gì dễ tiếp nhận và ”hấp thụ” nhanh hơn tình cảm. Điều đáng nói hơn nữa là Thư cho quê hương, trong đó có người thân, dòng tộc ở quê nhà đang ngày ngày mong ngóng tin Người, nhưng lại không có lấy một chữ hay dòng nào riêng tư. Tất cả đều là việc nước. Cũng chính vì thế, bức thư này không phải là di chúc cho dòng tộc, gia đình mà chính là Di chúc cho quê hương. Người biết rõ thời gian của mình không còn nhiều, lại chẳng thể về thăm nên những lời để lại vừa là những định hướng, những việc Người có thể lo nghĩ và làm được cho quê hương, đất nước mình, đồng thời cũng là lời từ biệt của một người con sau hơn 60 năm xa quê nhà để bắt đầu một cuộc đời cách mạng vĩ đại. Vì thế, Người đã chọn Thư.
Năm 2024, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và quê hương Nghệ An kỷ niệm 55 năm Người đi xa, cũng chính là 55 năm Người đã viết và để lại thư, di chúc cho đất nước, quê hương. Nhắc lại những bức thư người viết, nhắc lại những di nguyện thiêng liêng mà Người để lại với muôn vàn tình yêu thương và trách nhiệm trong mỗi bức thư chính là một lần cho các thế hệ người dân Việt Nam hiểu hơn về Người – một trí tuệ uyên bác, một nhân cách vĩ đại trong một tâm hồn rất đỗi thuần Việt. Những bức thư của Người dù viết cho ai, ở thời điểm nào thì trong đó vẫn luôn chứa đựng tầm nhìn, tư tưởng và giá trị thời đại. Đó không chỉ là tình cảm, trách nhiệm Người dành riêng cho tầng lớp, ngành nghề hay địa phương nào, mà còn là di sản vô giá mà Người để lại cho hậu thế. Rất cần có một công trình nghiến cứu, khảo cứu và hệ thống hoàn chỉnh, xứng tầm về những bức thư của Bác. Để di sản đó luôn được giữ gìn, phát huy, góp phần làm phong phú, sinh động hơn hệ thống minh chứng cho tư tưởng, phong cách cao đẹp của Người.