bna-thu-tuong-683.jpg

Cùng với việc triển khai kịp thời quy định “thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch COVID-19”; các biện pháp chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển; các chính sách hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã và đang từng bước phát huy hiệu quả trên phạm vi cả nước…

st1.jpg

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu đời với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng; có diện tích 13.745 km2, chiếm 83 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số toàn vùng khoảng 1,2 triệu người, chiếm 36 % dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 49 vạn người, chiếm 14,8 % dân số toàn tỉnh và chiếm gần 41 % dân số toàn vùng. Những năm gần đây, mặc dù có nhiều chuyển biến và phát triển khá toàn diện, nhất là về kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo … tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguyên nhân chủ quan và tác động của các yếu tố ngoại cảnh khác, nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của Tỉnh nói chung, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn: kinh tế có tăng trưởng nhưng quy mô còn rất nhỏ, đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài, khả năng tích lũy để tái đầu tư phát triển không cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia; số hộ dân cần ổn định chỗ ở gắn với đất sản xuất còn nhiều. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa có nhiều giải pháp thúc đẩy, một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện và khả năng thoát nghèo thấp… Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình nông thôn mới ở khu vực miền núi đang là thách thức không nhỏ: tiến độ, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn chậm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Nhiều mô hình về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được triển khai đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, người dân chưa tích cực trong thực hiện.

st2.jpg
Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững

Với các mục tiêu của giai đoạn mới, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…

hoi-cho-am-thuc-mien-tay-nghe-an.jpg
Hội chợ ẩm thực miền Tây Nghệ An. (ảnh: Báo NA)

Từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc theo Nghị định 05/2011 của Chính phủ; nhất là trong những năm đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Tỉnh. Nghệ An là một trong các địa phương đã chủ động tham mưu sớm để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành các Nghị quyết quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Là cơ quan đồng triển khai thực hiện và giám sát các chương trình, chính sách về công tác dân tộc, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy, để đảm bảo lộ trình triển khai nhiệm vụ, kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao, nhất là khi thời gian kết thúc năm 2022 không còn nhiều; thời gian tới…cơ quan chủ quản Chương trình và các đơn vị được phân công phối hợp cần tiếp tục xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đơn vị, chú trọng các vấn đề sau:

st4-1.jpg

Triển khai 10 dự án thành phần của Chương trình cần đồng thời gắn với việc rà soát, đánh giá thực hiện chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 20/5/2014) đã phân công nhiệm vụ cho các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Ban Dân tộc tỉnh… việc chủ trì, phối hợp thực hiện các nhóm chính sách, đề án, với các mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đạt, chưa đạt, so sánh kết quả hàng năm, từ 2015 đến năm 2020, nhất là đối với các chính sách hiệu quả, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp, từ đó tiếp tục xác định những khâu yếu kém, khó khăn, hạn chế… nhằm đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, bất cập nảy sinh.

st3.jpg

st5-1.jpgĐảm bảo kế hoạch phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình của giai đoạn 2021-2025 và hàng năm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật (kế hoạch vốn giai đoạn là 2.895 tỷ đồng, trong đó ngân sách đối ứng của địa phương 10%; năm 2022 sẽ thực hiện 874 tỷ đồng trong đó 302 tỷ đồng là kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước) đối với 10 dự án thành phần:

  1. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
  2. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.
  3. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
  4. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
  5. Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
  6. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
  7. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
  8. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
  9. Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
  10. Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

st6-1.jpgCùng với việc đảm bảo theo thứ tự các dự án có tính chất cấp bách, giải quyết kịp thời, cần nghiên cứu bổ sung, phát triển một số cơ chế chính sách đối với khu vực miền núi để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chương trình, theo hướng tập trung ưu tiên vào hai lĩnh vực quan trọng là khoa học - công nghệ (hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi tập trung, tiêu thụ nông sản, dược liệu; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu…); giáo dục – đào tạo (chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng miền núi gắn với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số; chính sách đào tạo nghề, việc làm…)

st7-1.jpgQuan tâm chỉ đạo việc thực hiện cơ chế phối hợp của các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp điều kiện, năng lực các xã miền núi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho các xã điểm, xã về đích nông thôn mới năm 2022; giải quyết tốt chính sách về đất đai (đất ở, đất sản xuất nông, lâm nghiệp, hệ thống cầu dân sinh, đường giao thông; hạ tầng lưới điện, nước sinh hoạt, sản xuất... ). Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng;

can-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-dong-bao-mien-tay-nghe-an-phat-trien-kinh-te.jpg
Cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

st8-1.jpgChú trọng việc triển khai sớm đối với Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình.

st9-1.jpgThiết lập hệ thống tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo Chương trình thực hiện hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Kết thúc một giai đoạn với nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt và cho cả giai đoạn trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… không chỉ thể hiện sự quan tâm, mà còn là trách nhiệm, quyết tâm chính trị lớn cần phải đạt được trong thực hiện mục tiêu, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Lô Thị Kim Ngân

Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh