Một số bất cập, hạn chế

Kinh tế nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt số lao động làm nông nghiệp và tỷ lệ dân số phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ chủ yếu. Bởi thế, lĩnh vực này luôn được tỉnh quan tâm, đề ra nhiều chủ trương và chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND tỉnh, trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và được UBND tỉnh trình, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND, ngày 20/12/2017 về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh cụ thể hoá để thực hiện bằng Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND, ngày 30/3/2018.

Sau 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh đã đem lại nhiều tác động tích cực đối với nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

IMG_0744-copy.jpg
Mô hình trồng cây thổ hào tại huyện Thanh Chương

Rõ nhất là cơ cấu cây, con tiếp tục được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị và hàng hoá, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khâu trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ sự thay đổi đó đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 4,65%/năm.

Tuy nhiên, thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri giữa đại biểu dân cử với cử tri và các kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều cử tri và đại biểu HĐND tỉnh phản ánh các chính sách hiện hành chưa có tính trọng điểm, đột phá mà còn manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt chính sách mới chỉ quan tâm đầu vào, chưa quan tâm chính sách hỗ trợ đầu ra. Và tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn thường xảy ra trên nhiều sản phẩm. Như thời điểm này, mùa cam đang chín rộ, nhiều nhà vườn ở một số địa phương phản ánh, giá tại vườn chỉ có 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hay mùa hè năm nay, mùa mận Tam Hoa tại Kỳ Sơn có thời điểm chỉ có 5.000 đồng/kg; hay đào Kỳ Sơn có thời điểm cũng chỉ 3.000 - 5.000 kg.

Bên cạnh chưa quan tâm chính sách đầu ra thì các khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng, đến việc xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng chưa có những chính sách đủ mạnh… Như ở huyện Yên Thành là vùng trọng điểm lúa của tỉnh với hơn 12.800 ha, nhưng hiện nay chỉ mới có gần 1.000 ha được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để có chất lượng sản phẩm tốt, đầu ra ổn định và giá trị kinh tế cao. Còn lại vẫn đang bán thông qua thương lái, nên thị trường, giá cả không ổn định. Hay như trong chăn nuôi gà, lợn, hiện nay do chưa có chế biến sâu cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm, giá lợn hơi giảm sâu, chỉ 45.000 - 50.000 kg lợn hơi; tương tự gà cũng khó tiêu thụ .

Chính sách phải tạo ra đột phá và động lực phát triển

Từ quan điểm chính sách phải thật sự tạo ra động lực, cú hích cho nông nghiệp phát triển, khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, “rải mành mành” được nêu tại các diễn đàn của HĐND tỉnh; đồng thời trên cơ sở rà soát, khảo sát thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm thay thế Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể có 9 nhóm chính sách được đề xuất HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị, bao gồm: chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt; hỗ trợ phát triển chăn nuôi thú y; hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ sản xuất muối; hỗ trợ tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả và cỏ trồng tập trung; hỗ trợ máy nông nghiệp; hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách hỗ trợ tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Về chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt được xác định rõ các đối tượng hỗ trợ là cây chè, cây ăn quả (cam, quýt, bưởi, chanh, dứa, chuối); hỗ trợ giống cây trồng mới, gồm lúa thuần mới, năng suất cao, chất lượng tốt và giống mía mới; hỗ trợ xây dựng nhà lưới (màng) để sản xuất rau, củ quả; hỗ trợ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm vi sinh; hỗ trợ xây dựng, phát triển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi thú y, bao gồm chính sách hỗ trợ lợn đực giống ngoại; tạo giống bò, cải tiến giống trâu; tiêm phòng gia súc, gia cầm; hỗ trợ sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn, gà.

Đáng quan tâm là chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp với việc khuyến khích trồng rừng gỗ lớn đối với keo lai, keo tai tượng và trồng rừng cây bản địa: lim, lát hoa, trám, quế, sao đen. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là 5 triệu đồng/ha. Trong lâm nghiệp còn có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ sơ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với vùng rừng sản xuất nguyên liệu tập trung từ 100 ha trở lên là 300 nghìn đồng/ha.

a47b6a13b0317b6f2220.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tham quan mô hình trồng cam sạch bằng phương pháp phủ màn tại huyện Thanh Chương

Dự thảo nghị quyết lần này cũng đề ra nhóm chính sách hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề bức thiết nhất trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, dự thảo đưa ra mức hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc, thiết bị để chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ tiền thuê gian hàng bán nông, lâm, thủy sản an toàn sản xuất tại Nghệ An với 3 triệu đồng/gian hàng/tháng, nhưng không quá 2 năm/gian hàng; hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm cây ăn quả được hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua để chế biến, xuất khẩu với 1.000 đồng/1 kg sản phẩm được thu mua, nhưng không quá 500 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân/năm.

Ngoài ra, chính sách còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bằng 5% giá trị sản phẩm, hàng hóa được đưa vào bán trong siêu thị hoặc hệ thống phân phối theo kết quả nghiệm thu hợp đồng mua bán sản phẩm hàng năm, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân/năm; thời gian hỗ trợ không quá 3 năm; hỗ trợ 100% chi phí xây dựng website thương mại điện tử, nhưng không quá 30 triệu đồng/website/doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ 100% chi phí xây dựng gian hàng online trên sàn giao dịch điện tử, nhưng không quá 50 triệu đồng/gian hàng/doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Liên quan đến khuyến khích đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách đề ra mức hỗ trợ 80% kinh phí chứng nhận đối với các mô hình sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, GMP, HACCP, hữu cơ lần đầu, nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của hợp tác xã, nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp tác xã.

Nhóm đáng quan tâm nữa là chính sách hỗ trợ tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Cụ thể, các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác theo hình thức thuê lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, đất do UBND cấp xã quản lý với thời hạn từ 5 năm trở lên, để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô tối thiểu 3 ha liền vùng; sẽ được hỗ trợ tiền thuê quyền sử dụng đất trong thời gian 5 năm đầu tiên là 15 triệu đồng/ha/năm, nhưng không quá 150 triệu đồng/hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân/năm.

Khi các chính sách nông nghiệp nêu trên được ban hành và triển khai trong thực tiễn, ngoài khắc phục các bất cập manh mún, nhỏ lẻ của chính sách thì chính sách sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất.

Minh Hà