Qua hội nghị, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu chuyên trách, đại biểu mới tham gia HĐND đã được chia sẻ, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý, hữu ích; được gợi mở thêm những cách làm mới, sáng tạo và đột phá để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình TRẦN HẢI CHÂU:
Mỗi địa phương sẽ đúc rút được cách làm phù hợp, hiệu quả
Ảnh: T. Thành
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 là hết sức ý nghĩa và cần thiết đối với hoạt động của HĐND bởi năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều đại biểu mới tham gia HĐND lần đầu (gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách) nên còn thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Cùng với đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố.
Thông qua hội nghị này, các đại biểu mới tham gia HĐND đã được chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm quý, thiết thực để thực hiện tốt hơn vai trò người đại biểu của Nhân dân. Đặc biệt với các đại biểu chuyên trách đã được lắng nghe, trao đổi và gợi mở những cách làm mới, sáng tạo trong các hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn... để tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn. Đây cũng là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cùng lắng nghe, chia sẻ và phối hợp tốt hơn nữa trong việc thực hiện vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân ở Trung ương và địa phương.
Mặc dù thời gian rất ngắn, nhưng tôi tin rằng, từ những bài học kinh nghiệm, những thông tin thiết thực được chia sẻ tại hội nghị, HĐND các địa phương sẽ tự đúc rút được cho chính mình những cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn ở địa phương, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của HĐND.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai AYUN H’BÚT:
Diễn đàn để đánh giá khách quan kết quả hoạt động của HĐND
Ảnh: T. Thành
Tôi rất vui mừng được tham dự Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung năm 2021 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Đây là hội nghị có ý nghĩa thiết thực và là diễn đàn để đánh giá một cách khách quan về kết quả hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Việc tổ chức hội nghị này đã cho thấy sự quan tâm sâu sát và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp. Qua đó, tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội với HĐND và của HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung nhằm giúp cho hoạt động của HĐND tiếp tục được nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, từ đó, không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan dân cử địa phương.
Hội nghị cũng là dịp để HĐND các tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, hiệu quả trong quá trình hoạt động, cùng nhau xây dựng chương trình hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND ngày càng đổi mới về phương thức và nội dung. Trong đó, một nội dung trọng tâm là bảo đảm chất lượng các nghị quyết do HĐND ban hành và giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết này cũng như thực hiện chính sách, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tại địa phương. Ví dụ, thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Để cụ thể hóa nghị quyết này, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành một chương trình hành động cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi có Quyết định của Chính phủ quy định về nguyên tắc, định mức phân bổ nguồn kinh phí thực hiện thì HĐND tỉnh Gia Lai sẽ ban hành ngay Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Như vậy để thấy rằng, từ những chính sách, chủ trương của Trung ương, khi về đến các địa phương, với vai trò, trách nhiệm của mình, HĐND cần nhanh chóng cụ thể hóa bằng các nghị quyết để mang lại lợi ích thực chất nhất cho người dân.
Tôi mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, nhất là việc mở thường xuyên hơn các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho các đại biểu HĐND; đồng thời, tiếp tục chủ trì tổ chức các Hội nghị HĐND các tỉnh, thành phố trong thời gian tới để chúng tôi có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm và được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM:
Bảo đảm đồng bộ từ tổ chức đến thực hiện
Ảnh: T. Thành
Tôi đánh giá rất cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên chủ trì tổ chức Hội nghị HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là hội nghị thứ hai trong chuỗi 3 hội nghị được tổ chức tại 3 miền. Hội nghị là cơ hội để HĐND các tỉnh nhìn nhận lại toàn bộ kết quả hoạt động của nhiệm kỳ qua và đặc biệt là trong năm 2021. Thông qua báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi mở cho HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có cơ sở để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động, ngày càng khẳng định sâu sắc hơn vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.
Thông qua hội nghị, HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã gửi gắm được những kiến nghị, khó khăn vướng mắc trong thực tiễn hoạt động và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận. Tôi mong muốn, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật và hướng dẫn, giám sát nhằm bảo đảm sự đồng bộ từ tổ chức cho đến triển khai thực hiện các nhiệm vụ của HĐND.
Trung Thành ghi