Thu thập dữ liệu phục vụ quản trị quốc gia
Quan tâm đến dự thảo Luật Dữ liệu, ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến bố cục, tác động chính sách và quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, quản lý, chia sẻ dữ liệu theo quan điểm “đúng, đủ, sạch, sống” và an toàn, hiệu quả.
"Để dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, không thể chỉ là trách nhiệm của người quản lý dữ liệu mà phải quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời để xây dựng dữ liệu và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quản lý, chia sẻ".
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Trần Đức Thuận cũng đề nghị nghiên cứu rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tránh chung chung, gây ảnh hưởng đến quyền công dân.
Theo đó, cần xác định rõ Luật này điều chỉnh những dữ liệu nào. Ví dụ như dữ liệu của điện thoại di động cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật thì có phù hợp không hay chỉ quy định những dữ liệu phục vụ cho quản trị quốc gia?
Điều 3 giải thích từ ngữ về dữ liệu: “Dữ liệu là sự thể hiện dưới dạng kỹ thuật số của sự vật, sự kiện, bao gồm các dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu hoặc dạng tương tự”, đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm cụm từ “phục vụ cho công tác quản trị quốc gia”.
Về đối tượng áp dụng, có 3 đối tượng là: cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, cần quy định quyền và trách nhiệm của từng đối tượng này.
Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã chỉ rõ có nhiều luật liên quan đến dự thảo Luật Dữ liệu, Do vậy, đại biểu đề nghị, cần phải rà soát kỹ để tránh chồng chéo vướng mắc.
Nếu Luật này chủ yếu phục vụ cho cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và Trung tâm dữ liệu quốc gia thì cần làm rõ kinh phí bảo đảm. Dự thảo Luật chỉ quy định Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, trong khi cơ sở hạ tầng, con người và chi phí có liên quan phục vụ cho việc khai thác, quản lý, chia sẻ dữ liệu còn thiếu vắng. Do đó, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị phải xác định rõ ngân sách trung ương bảo đảm như thế nào, ngân sách địa phương bảo đảm như thế nào.
Duy trì hình thức cơ sở dữ liệu phân tán và tập trung
Dự thảo Luật quy định về phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu áp dụng với tất cả các tổ chức, cá nhân, từ các cơ quan đảng, cơ quan trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước đến các tổ chức trong xã hội, cá nhân và các doanh nghiệp trong nền kinh tế (kể cả doanh nghiệp nước ngoài có thu thập, xử lý dữ liệu tại Việt Nam).
Dẫn quy định trên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, tác động đối với hệ thống chính trị không lớn, nhưng đối với doanh nghiệp như thế nào cần được đánh giá kỹ.
"Việc tuân thủ, chấp hành của doanh nghiệp có khả thi hay không, có tạo ra gánh nặng, chi phí quá lớn cho các doanh nghiệp hay không. Nếu không tuân thủ thì có chế tài xử lý hay không. Ví dụ, phạm vi thu thập thông tin đối với tổ chức, cá nhân ở mức nào. Việc sử dụng, phát tán dữ liệu cá nhân như thế nào, trách nhiệm ra sao, cơ quan soạn thảo đều phải làm rõ", đại biểu đặt câu hỏi.
Dự thảo Luật Dữ liệu quy định về dữ liệu của toàn xã hội, nhưng nội dung điều chỉnh chưa bao trùm, toàn diện. Lưu ý điều này, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi điều chỉnh theo hướng luật dữ liệu quốc gia hay luật về cơ sở dữ liệu quốc gia, đối tượng áp dụng chỉ nên tập trung vào cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và các tổ chức trong nền kinh tế, trong xã hội mà việc thu thập dữ liệu có liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia.
Khẳng định sự cần thiết phải có Trung tâm dữ liệu quốc gia, đại biểu Trần Văn Lâm cũng nêu rõ, hiện nay các cơ sở dữ liệu đều đang phân tán, mỗi UBND, sở, ngành lại có một cơ sở dữ liệu riêng, sau đó tập trung về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn nên giữ nguyên bản sao, bản dự phòng cơ sở dữ liệu ở các đơn vị; tránh tập trung một đầu mối là cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
"Trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia bị tê liệt sẽ rất khó khăn. Vì vậy nên duy trì hình thức cơ sở dữ liệu phân tán và tập trung. Cơ sở dữ liệu phân tán bị hỏng thì có thể lấy cơ sở dữ liệu tập trung và đưa trở lại phân tán, tập trung có sự cố thì còn cơ sở dữ liệu phân tán, để bảo đảm an toàn hệ thống”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật Dữ liệu cần làm rõ cơ chế xử lý sai phạm, nhất là thời gian qua có nhiều vi phạm liên quan đến an ninh dữ liệu, quyền riêng tư, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp dữ liệu phải minh bạch, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.