Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, hiện kinh phí công đoàn được để lại cho công đoàn cơ sở 75% để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động. 25% còn lại phân phối cho cấp trên công đoàn là cấp cơ sở, cấp tỉnh và Trung ương nhưng thực chất số kinh phí phân phối cho cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở cũng chi lại để chăm lo cho công đoàn viên và người lao động.
Tuy nhiên, một số công đoàn cơ sở dù được để lại 75% nhưng cũng không đủ chi cho các hoạt động nên công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết, cấp bổ sung. Qua tính toán thực tế, kinh phí chi trực tiếp cho người lao động lên tới gần 84%, số còn lại là chi tiêu cho 3 cấp công đoàn còn lại. Điều này khẳng định, cơ bản kinh phí công đoàn là để chăm lo trực tiếp cho người lao động - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ về dự án luật này tại đợt 1 của Kỳ họp thứ Bảy, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc duy trì mức kinh phí công đoàn 2% như hiện nay. Bởi đây là nguồn thu quan trọng nhằm bảo đảm tài chính để duy trì, tổ chức hoạt động của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, việc này còn thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn với người lao động thông qua tổ chức công đoàn.
Ý kiến khác cũng cho rằng, việc duy trì nguồn kinh phí này trong vài thập niên qua đã tương đối ổn định, bảo đảm việc vận hành bộ máy công đoàn không phụ thuộc vào ngân sách. Mặt khác, mức thu không có tác động lớn đối với doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc duy trì nguồn kinh phí này cũng bảo đảm theo đúng kết luận của Bộ Chính trị; bảo đảm nguồn lực để công đoàn thu hút, tập hợp đông đảo người lao động đến với tổ chức mình…
Cần nhấn mạnh rằng, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội tán thành và thống nhất với việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%. Điều này phù hợp với Nghị quyết số 02 NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đó là duy trì nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban Xã hội, đây cũng là vấn đề có tính lịch sử, thực tiễn pháp luật của nước ta đã quy định, duy trì từ Luật Công đoàn năm 1957 đến nay đang ổn định và phù hợp với thể chế chính trị. Mặt khác, cũng thể hiện sự đồng hành, phối hợp cùng với doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc quan tâm chăm lo đời sống, phúc lợi, động viên, khích lệ người lao động gắn bó với đơn vị cũng như thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua công đoàn.
Có thể thấy, quy định về kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là kế thừa quy định hiện hành, có đủ căn cứ chính trị, tạo điều kiện nguồn lực đủ mạnh để công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người lao động. Tuy nhiên, để nhận được sự đồng thuận cao của doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần bổ sung quy định để công khai, minh bạch trong thu, chi, sử dụng, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người lao động.