Theo ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX, LHHTX), việc dự thảo chuẩn bị hai phương án để Quốc hội thảo luận là phù hợp, bởi đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến việc phát triển của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần có quy định vừa đảm bảo nguyên tắc đối nhân trong tổ chức, hoạt động của hợp tác xã nhưng cũng phải đảm bảo việc huy động vốn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động. Đoàn nhất trí với phương án 1 quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bởi các lý do:

Thứ nhất, khác với Luật hợp tác xã năm 2013, dự thảo Luật hợp tác xã lần này đã mở rộng thêm các loại thành viên của HTX, LHHTX, ngoài thành viên chính thức còn có thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn. Mục đích của việc mở rộng này là để nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển. Trong trường hợp không cho chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì mục tiêu của chính sách này khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, việc cho phép chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên cũng sẽ góp phần tăng tính ổn định trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Bởi nếu không cho phép chuyển nhượng phần vốn góp, khi có thành viên ra khỏi HTX, LHHTX, chấm dứt tư cách thành viên thì phải trả lại phần vốn góp. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến vốn điều lệ (giảm vốn) trong quá trình hoạt đông của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thứ ba, việc cho phép chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên sẽ không ảnh hưởng đến nguyên tắc đối nhân của hợp tác xã do dự thảo Luật đã có các quy định chặt chẽ vê tỷ lệ phần sở hữu vốn góp tối đa của từng thành viên; nguyên tắc mỗi thành viên hợp tác xã có quyền biểu quyết ngang nhau tại Đại hội thành viên.

Tuy nhiên, để tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hoá HTX”, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần quy định rõ đối với trường hợp bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp là thành viên liên kết không góp vốn hoặc không phải là thành viên HTX, LHHTX thì cần bổ sung thêm điều kiện nhận chuyển nhượng, đó là: phải đủ điều kiện và phải làm thủ tục để trở thành thành viên liên kết góp vốn hoặc thành viên chính thức của HTX, LHHT.

490d58a00276dc288567.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên họp chiều 25/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Bên cạnh đó, góp ý kiến về hoạt động tín dụng nội bộ của Hợp tác xã, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, qua tiếp xúc cử tri chuyên đề về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, nhiều cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho các HTX, LHHTX được tiếp tục hoạt động tín dụng nội bộ như Luật HTX năm 2012. Thực tế hiện nay, hoạt động tín dụng nội bộ trong HTX thực chất là hoạt động tương trợ cộng đồng khi thành viên gặp khó khăn về vốn sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật…Trong bối cảnh các HTX, xã viên HTX rất khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng thì hoạt động tín dụng nội bộ là giải pháp cần thiết bởi đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống của các thành viên. Hoạt động tín dụng nội bộ cũng thể hiện được bản chất, tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm của HTX.

Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được nêu trong Báo cáo tiếp thu giải trình, đó là: “Việc quy định hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật là cần thiết vì thực tế thành viên HTX có huy động tín dụng nội bộ, nhưng việc huy động này chưa được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động của HTX, LHHTX và có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Dự thảo Luật trình kỳ họp thứ 5 đã quy định cụ thể hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ các thành viên quy định tại khoản 1 Điều 80, hoạt động cho vay nội bộ tại Điều 84 và có quy định chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 115 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết”.

Tuy nhiên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có 2 đề xuất đề nghị được nghiên cứu thêm, thứ nhất là “cho phép HTX, LHHTX được sử dụng nguồn vốn huy động trong các thành viên để tăng nguồn vốn khả dụng của các HTX, LHHTX để cho vay nội bộ. Cử tri cho rằng, nếu dự án Luật quy định các HTX, liên hiệp HTX chỉ được thực hiện cho vay nội bộ sau khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại không được sử dụng nguồn vốn huy động trong thành viên thì quy định này sẽ không có tính khả thi”; đề xuất thứ hai là đề nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 115, như sau: “ Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, HTX, LHHTX phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định tại Luật HTX số 23/2012/QH13” vì tại khoản 2 Điều 114 đã có quy định: “Luật HTX số 23 hết hiệu lực kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành”./.