Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành là cơ sở để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả; đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND các địa phương hiện nay.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. HĐND tỉnh đã giám sát bảo đảm tính toàn diện, tập trung sâu vào những vấn đề “nóng” được cử tri và nhân dân quan tâm như: chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh về quản lý nhà nước về khoáng sản; việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng dịch; kết quả thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.

HĐND tỉnh đã tăng cường tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, như: các dự án treo, dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến năm 2020… Các Ban HĐND tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc giám sát theo hướng chuyên sâu về các nội dung, như: việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các bậc học từ mầm non đến phổ thông; việc thực hiện đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (từ năm 2017 đến nay)… và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 nên hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trình tự, thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh còn lúng túng; hoạt động giải trình, chất vấn trong các phiên họp Thường trực HĐND còn hạn chế; chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu còn ít hoặc chưa tổ chức được; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc chưa thực sự nghiêm túc…

hdnd-tinh-nghe-an-giam-sat-cong-tac-dao-tao-phat-trien-nguon-nhan-luc-tren-dia-ban-tinh---anh-thanh-le.jpg
HĐND tỉnh Nghệ An giám sát công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới của cuộc cách mạng 4.0

Việc ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn… HĐND tỉnh Nghệ An sẽ tích cực triển khai những nội dung hướng dẫn của Nghị quyết để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, ngày càng đáp ứng tốt hơn niềm tin, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được coi là cơ sở pháp lý quan trọng giúp HĐND các cấp thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Nghị quyết đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; hoạt động chất vấn tại kỳ họp, giải trình tại phiên họp; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND… Nghị quyết cũng đã quy định tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, lựa chọn nội dung chất vấn căn cứ vào những vấn đề bức xúc ở địa phương được đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm.

Nghị quyết còn quy định về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND để thuận tiện trong việc lưu trữ dữ liệu, cung cấp thông tin, hỗ trợ công tác giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND ngày càng hiệu quả… Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của cơ quan dân cử đã được Quốc hội và HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp tỉnh quan tâm áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả. Không chỉ thuận tiện trong việc lưu trữ dữ liệu, cung cấp thông tin về các hoạt động của HĐND được tốt hơn mà còn hỗ trợ công tác giám sát của các đơn vị của HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND ngày càng hiệu quả hơn…

Đối với Nghệ An, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động của HĐND tỉnh đồng bộ và kịp thời, xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, quyết định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT cho đại biểu HĐND tỉnh, bộ phận tham mưu, phục vụ, khai thác tối đa các tiện ích của phần mềm quản lý văn bản, phần mềm theo dõi kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư… Việc tăng cường ứng dụng CNTT của HĐND tỉnh Nghệ An thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành nhằm hiện đại hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyễn Như Khôi

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh