Vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã có dịp đến thăm mô hình trồng Cam bù Sen của hộ gia đình ông Phạm Văn Ngọc thôn 1 xã Khai Sơn, người đầu tiên trong xã đưa giống cam này về trồng tại địa phương. Ông Ngọc chia sẻ: Tận dụng diện tích đất đồi sẵn có của gia đình, ông đã đầu tư vốn trồng cây cam bù Sen với hơn 1.000 gốc ở 3 ha, trong đó hơn 500 gốc hiện nay đã cho thu hoạch. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật nên năm nay vườn cam của gia đình rất sai quả, không bị dịch hại, quả to đều, đẹp mã. Ngay từ đầu vụ đã có nhiều khách đến tại vườn xem, đặt cọc; có những mối khách quen ở Hà Nội đã gọi điện đặt hàng trước. Dự kiến, vụ cam năm nay sẽ cho sản lượng 15 tấn quả, với giá bán từ 80.000/kg- 100.000/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí cho gia đình ông Ngọc thu về 300- 400 triệu đồng.

d6391c675ab497eacea5.jpg
Giống cam bù Sen được trồng chủ yếu ở xã Khai Sơn với diện tích 23 ha

Những ngày này, vườn cam bù Sen gia đình chị Đậu Thị Giang ở thôn 9 xã Khai Sơn cũng bắt đầu tấp nập khách hàng đến đặt mua cam Tết. Chị Giang chia sẻ: Hiện nay toàn bộ diện tích của gia đình chị đầu tư trồng 400 gốc cam bù Sen. Vào dịp trước Tết hàng năm, loại cam này được nhiều khách hàng đến tận vườn để đặt mua về ăn, dâng cúng tổ tiên hoặc làm quà biếu. Để cây cam phát triển bền vững, gia đình chị Giang đã tìm hiểu kỹ quy trình chăm sóc. Không chỉ chú ý đến khâu chăm sóc để vườn cam ngon, đẹp, đem đến cho người tiêu dùng những quả cam đảm bảo chất lượng nhất, mà để có sản phẩm cam sạch phục vụ tết Nguyên đán, gia đình chị đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc ngay từ đầu vụ, đồng thời chủ động chăm bón, tìm cách hãm cam chín muộn hơn để bán đúng vào dịp Tết. Vụ cam năm nay của gia đình chị ước đạt từ 4- 5 tấn quả. Với giá tại vườn là 80.000 đồng/kg, cho gia đình chị Giang thu về trên 200 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi cây trồng sang trồng cây cam bù Sen nên đời sống thu nhập của gia đình chị đã khấm khá hơn trước.

Cam bù Sen được coi là loại quả đặc sản của Anh Sơn, hiện nay giống cam bù Sen được trồng chủ yếu ở xã Khai Sơn với diện tích 23 ha. Cam bù Sen có nhiều đặc tính vượt trội so với các loại cam khác, đó là có khả năng chịu bệnh, chịu hạn và chịu úng tốt hơn các loại cây có múi khác. Mùa thu hoạch cam bù Sen bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Khi chín quả có màu gạch, khi bóc quả cam bù Sen ra trên đầu quả có từ 80 - 85 % số quả sẽ có 2 lòng (quả nhỏ phía trên đầu) hình giống như bông hoa sen. Múi cam đỏ óng được bao bọc bởi các mao mạch không bị tách rời ra như một số giống cam bù khác. Cam có vị ngọt đậm đà, hơi chua thanh, mặn, tép cam mềm và ráo hương thơm đặc trưng, nếu ai đã một lần thưởng thức thì sẽ nhớ mãi. Với chất lượng thơm ngon, nhiều năm qua cam bù Sen trở thành đặc sản quý của người dân Anh Sơn được khách hàng khắp nơi tìm đến đặc biệt là vào dịp Tết đến để chưng bàn thờ ngày Tết, chọn làm quà biếu Tết…. Vụ cam Tết năm nay, sản lượng cam bù sen ở Anh Sơn dự kiến gần 300 tấn, giá cam dự đoán sẽ cao hơn các năm trước và nằm ở mức 80.000 - 100.000 đồng/kg, đem lại doanh thu trên 20 tỷ đồng.

f15f25078feb42b51bfa.jpg
Cam bù Sen có vị ngọt đậm đà, hơi chua thanh, mặn, tép cam mềm và ráo hương thơm đặc trưng, nếu ai đã một lần thưởng thức thì sẽ nhớ mãi

Ông Nguyễn Trường Phị, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Sản phẩm cam bù Sen đã được công nhận đạt hạng 3 sao trong chương trình OCOP. Để bảo tồn nguồn gốc và từng bước khôi phục, phát triển thương hiệu Cam Bù Sen, thời gian qua, huyện Anh Sơn đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức khảo sát thực tế để theo dõi, nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống Cam Bù Sen nhằm phục vụ tốt cho việc nhân giống, mở rộng diện tích bằng nguồn giống đảm bảo, có chất lượng cao. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn đã triển khai dự án xây dựng vườn ươm nhân giống cam bù Sen Anh Sơn, thuộc dự án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2023, tại vườn ông Nguyễn Hữu Kim thôn 7 xã Khai Sơn với diện tích 500m2, trong đó dành riêng 150m2 trồng 30 cây cam bù Sen đầu dòng để sang năm thứ 2 lấy mắt ghép nhân giống cho các hộ trồng cây ăn quả trong toàn huyện, theo kế hoạch sẽ nhân giống 5.000 cây trồng ở 3 xã Đỉnh Sơn, Khai Sơn và Phúc Sơn với diện tích 4 ha. Bên cạnh đó, hội nông dân xã Khai Sơn cũng đã thành lập hợp tác xã trồng cam bù Sen với 15 thành viên tham gia, qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng cam; đồng thời tạo điều kiện cho 10 hộ trồng cam Bù Sen vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, mỗi hộ được vay 40 triệu đồng; tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất phân vi sinh và hỗ trợ men vi sinh cho 100% hộ trồng cam Bù Sen trên địa bàn xã.

Thái Hiền