Quang cảnh phiên làm việc sáng 26/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ: Khái niệm di sản văn hóa được giải thích tại khoản 1 điều 1 và điều 3 cơ bản phù hợp với các quy định tại các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như Công ước UNESCO năm 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Công ước UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, việc quy định di sản văn hóa tại dự thảo luật là “được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”, di sản văn hóa phi vật thể được quy định là “được trao quyền liên tục qua nhiều thế hệ” lại chưa tương thích với 02 Công ước này bởi cả 02 Công ước này đều không quy định cứng tính liên tục này mà chủ yếu là nhấn mạnh giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích. Trên thực tế có nhiều di sản là cổ vật được tìm thấy sau hàng trăm năm bị chôn dưới lòng đất, có nhiều di sản phi vật thể đã thất truyền sau một thời gian dài mới được phục hồi. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” ở khoản 1 điều 1 và từ “liên tục” tại khoản 1 điều 3 cho phù hợp hơn.

Thứ hai, về khu vực bảo vệ di tích (điều 25):

- Tại điểm b khoản 2 quy định về khu vực bảo vệ I là “vùng có công trình, kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và yếu tố khác liên quan”. Quy định như thế này sẽ quá rộng và không rõ ràng trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích. Do đó, đại biểu đề nghị sửa điểm này như sau: “vùng có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và các yếu tố khác liên quan có giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ của di tích”.

- Tại khoản 3 đề nghị làm rõ hơn “vùng bao quanh” khu vực bảo vệ II. Nếu quy định như dự thảo thì sẽ không xác định được vùng bao quanh khu vực bảo vệ II là bao nhiêu. Việc xác định khu vực bảo vệ di tích không chỉ để bảo vệ di tích mà còn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân sinh sống xung quanh di tích và phát huy được giá trị của di sản văn hóa, có như vậy thì người dân mới chung tay cùng Nhà nước bảo vệ di tích. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần phải giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An 

Thứ ba, về các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích: Điều 27 của dự thảo Luật quy định việc triển khai dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực I và khu vực II chỉ được phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh. Điều 28 quy định việc triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng tác động tiêu cực đến di tích chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh.

Theo Báo cáo số 34/BC-BVHTTDL, hiện nay chúng ta có 9 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia và trên 10 ngàn di tích cấp tỉnh. Nếu quy định như dự thảo Luật thì chắc chắn sẽ kéo dài thời gian triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình vì quá tải hồ sơ xin ý kiến tại Bộ và Sở. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải phân cấp hơn nữa, theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến đối với di tích quốc gia được phân cấp quản lý và di tích cấp tỉnh; phòng Văn hóa ở cấp huyện cho ý kiến đối với di tích cấp tỉnh được phân cấp quản lý trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát thêm các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và thẩm quyền quyết định đầu tư công trình, dự án để quy định thống nhất.

Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ 4, về hình thức ghi danh di sản văn hoá phi vật thể và di sản tư liệu

Dự thảo luật quy định 2 cấp độ ghi danh di sản văn hoá phi vật thể tại điều 11 và di sản tư liệu tại điều 53 là ghi danh tại danh mục quốc gia và tại danh mục/danh sách  của UNESCO. Trong khi đó di sản văn hoá vật thể được ghi danh bằng 4 cấp độ: di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh. Việc ghi danh không chỉ là ghi nhận giá trị của di tích mà còn là để bảo quản, quản lý và phát huy giá trị của di sản. Do đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm cấp độ ghi danh đối với di sản văn hoá phi vật thể là di sản văn hoá phi vật thể cấp tỉnh và sửa lại  điểm a khoản 1 điều 11 như sau: “Danh mục của Quốc gia về văn hoá phi vật thể  bao gồm di sản phi vật thể cấp quốc gia và cấp tỉnh”; bổ sung cấp độ ghi danh đối với di sản tư liệu là di sản tư liệu cấp tỉnh và sửa điểm a khoản 1 điều 53 như sau: “danh mục di sản tư liệu quốc gia bao gồm di sản tư liệu cấp quốc gia và di sản tư liệu cấp tỉnh”.  Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ghi danh di sản văn hoá phi vật thể cấp tỉnh và di sản tư liệu cấp tỉnh./.