Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện, phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức HĐND và UBND.
Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng: Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn tỉnh; Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương đến cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.

Cùng với đó, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi Luật hiện hành theo hướng tăng số lượng tối đa đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu. Cụ thể, (1) tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu (tăng 15 đại biểu so với Luật hiện hành); (2) tỉnh còn lại (không phải miền núi, vùng cao) có từ 1.000.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1.000.000 dân thì cứ thêm 75.000 dân (Luật hiện hành tính cứ thêm 70.000 dân) được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu (tăng 05 đại biểu so với Luật hiện hành); Thành phố trực thuộc trung ương có từ 1.000.000 dân trở xuống được bầu 70 đại biểu (tăng 20 đại biểu so với Luật hiện hành); có trên 1.000.000 dân thì cứ thêm 75.000 dân (Luật hiện hành tính cứ thêm 60.000 dân) được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu (tăng 05 đại biểu so với Luật hiện hành); Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được bầu 125 đại biểu (tăng 30 đại biểu so với Luật hiện hành). Đồng thời, dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung quy định Ủy viên của các Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, thay vì quy định là đại biểu kiêm nhiệm như Luật hiện hành.

Đối với HĐND cấp cơ sở, dự thảo Luật quy định theo hướng tăng số lượng tối đa đại biểu HĐND cấp cơ sở được bầu là 40 đại biểu (Luật hiện hành quy định số lượng tối đa đại biểu HĐND cấp xã được bầu là 30 đại biểu).
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật là Bộ Nội vụ cũng đề xuất chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động kể từ ngày 1/7/2025. Để đảm bảo cho hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ ba cấp sang hai cấp diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, dự thảo Luật quy định những nội dung chuyển tiếp liên quan đến một số vấn đề quan trọng, cấp bách cần ưu tiên giải quyết./.