Bất cập của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nằm trên địa bàn đã có trường trung cấp nghề

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT- BLĐTBXH - BGDĐT - BNV từ năm 2016 Nghệ An đã sáp nhập được 12 trung tâm và đổi tên 7 thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Theo đánh giá việc sáp nhập đã tạo điều kiện để các đơn vị giảm bớt đầu mối, đội ngũ, tiết kiệm cơ sở vật chất, chủ động trong việc sử dụng trung tâm phục vụ địa phương.

doan-giam-sat-hdnd-tinh-khao-sat-tai-trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep---giao-duc-thuong-xuyen-thanh-pho-vinh.jpg
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh

Trên địa bàn 7 địa phương: thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa và các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Yên Thành, Đô Lương hiện có 02 loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Trường trung cấp nghề và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trong đó Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc huyện quản lý, với chức năng, nhiệm vụ thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Tuy nhiên hoạt động đào tạo nghề đã có Trường Trung cấp nghề: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (ở Quỳnh Lưu), Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Miền Tây Nghệ An (thị xã Thái Hòa), Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Nghệ An (Đô Lương), Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Vinh (thành phố Vinh), Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Nghi Lộc (Nghi Lộc), Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành (Yên Thành), Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú (Con Cuông, các trường này cơ bản được Nhà nước đầu tư quy mô hiện đại; có đội ngũ giáo viên dạy nghề chuyên môn vững vàng. Do đó trường Trung cấp nghề đã thu hút hầu hết học sinh không vào THPT đến học. Thực trạng này dẫn đến chồng chéo về chức năng giáo dục nghề nghiệp, khó khăn trong công tác tuyển sinh, dàn trải trong đầu tư cũng như lãng phí về cơ sở vật chất.

Thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả

Sau khi đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, bổ sung thêm chức năng giáo dục nghề nghiệp, hoạt động của các trung tâm trong việc thực hiện chức năng dạy nghề còn nhiều khó khăn, bất cập. Qua giám sát của HĐND tỉnh về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho thấy nhiều Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau gần 3 năm được bổ sung thêm chức năng giáo dục nghề nghiệp nhưng đến nay việc thực hiện chức năng dạy nghề của một số trung tâm còn rất hạn chế, thậm chí chưa được thực hiện.

trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep---giao-duc-thuong-xuyen-thanh-pho-vinh-mac-du-duoc-xay-dung-rat-khang-trang-nhung-chua-duoc-dau-tu-co-so-vat-chat-trang-thiet-bi-day-nghe-1.jpg
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh mặc dù được xây dựng rất khang trang nhưng chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề 1

Đơn cử như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quỳnh Lưu được đổi tên theo Quyết định số 2664/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh Nghệ An, đến nay trung tâm chưa thực hiện dạy nghề theo chức năng, nhiệm vụ được giao mà mới chỉ thực hiện liên kết làm điểm đặt mở lớp nghề trình độ trung cấp; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh được đổi tên theo Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh, đến nay trung tâm chưa triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy nghề theo quy định.

Một số trung tâm mặc dù đã thực hiện được chức năng giáo dục nghề nghiệp, nhưng hoạt động dạy nghề còn rất hạn chế. Như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Thái Hòa được thành lập theo Quyết định số 3124/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2021: trung tâm mới chỉ đào tạo 02 lớp nghề kỹ thuật chế biến món ăn trình độ sơ cấp dưới 03 tháng cho 60 học viên, trung tâm chủ yếu liên kết làm điểm đặt mở lớp nghề trình độ trung cấp nghề.

3 không sau khi được bổ sung chức năng dạy nghề

Không được đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí dạy nghề cũng như bổ sung định biên giáo viên dạy nghề, đó là tình trạng chung của 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đổi tên.

Mặc dù được giao thêm chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp nhưng không được đầu tư cơ sở vật chất, cũng như bổ sung biên chế giáo viên dạy nghề. Đây là lý do chính mà các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở thành phố Vinh, huyện Quỳnh Lưu chưa thực hiện được nhiệm vụ dạy nghề. Như ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh: định biên từ năm 2010 đến nay chỉ còn 10 người, chủ yếu là giáo viên dạy văn hóa, sau khi sáp nhập bổ sung thêm chức năng dạy nghề vẫn không được giao thêm định biên giáo viên dạy nghề nên việc triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn; về cơ sở vật chất cũng chưa được thành phố quan tâm đầu tư để trang bị các thiết bị, cơ sở vật chất dạy nghề. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quỳnh Lưu định biên từ năm 2010 đến nay chỉ có 9 người, để thực hiện nhiệm vụ dạy văn hóa với định biên như vậy, trung tâm đã phải hợp đồng 17 người (trong đó có 14 giáo viên dạy văn hóa THPT, 1 nhân viên y tế, 1 nhân viên bảo vệ, 1 lao công), do không có giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất dạy nghề cũng không được đầu tư. Nên việc thực hiện chức dạy nghề chưa thực hiện được.

trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep---giao-duc-thuong-xuyen-thi-xa-thai-hoa.jpg
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Thái Hòa

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Thái Hòa mặc dù đã đào tạo được 02 lớp sơ cấp dưới 03 tháng, tuy nhiên, ông Hồ Thế Thanh - Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện trung tâm mới chỉ có giáo viên của giáo dục thường xuyên, không có giáo viên nghề phải cho 02 giáo viên dạy THPT đi học thêm văn bằng trung cấp nghề để đi dạy nghề sơ cấp và nghề thường xuyên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho đào tạo nghề còn thiếu, chưa đủ theo yêu cầu, nguồn kinh phí chỉ mới được cấp cho hoạt động giáo dục thường xuyên, chưa cấp kinh phí cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trao đổi vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Anh Hoa-Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh-thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh cho rằng: việc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập, đổi tên đến nay chưa thực hiện được chức năng giáo dục nghề nghiệp như “bình mới rượu cũ” tên thì mới nhưng hoạt động vẫn như cũ. Do đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có định hướng, cũng nhưng chuyển đổi mô hình như thế nào để phát triển trung tâm này.

Việc đổi tên Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Song, để chủ trương này đạt hiệu quả cần sự vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan. Cùng với đó, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm, phù hợp với hoạt động của cả hai hình thức học là giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán lại về mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhất là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại các địa bàn có trường Trung cấp nghề để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, dàn trải trong đầu tư và lãng phí cơ sở vật chất.

Nguyễn Thị Vân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh